- Sau bão số 8, cả nước có ít nhất 9 người thiệt mạng, hơn 40 người bị
thương, 8 người vẫn đang mất tích; hơn 70 tàu thuyền bị chìm đắm, hàng ngàn cây
xanh bị gãy đổ, hàng nghìn km đê bị vỡ, sụt lún...
Thái Bình: Ít nhất 3 người chết
Theo thông tin từ VP BCH PCLB tỉnh đến chiều ngày 29/10, 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải vẫn bị mất liên lạc.
Đến 18h ngày 29/10 nhiều nơi ở tỉnh Thái Bình vẫn chìm trong bóng tối vì mất
điện. Ảnh: Phạm Hải |
Số liệu thống kê sơ bộ đến hết ngày 29/10 cho biết tại Thái Bình có 3 người chết do bão, trong đó có 2 người ở TP.Thái Bình; 29 người bị thương, riêng Tiền Hải có 25 người.
Toàn tỉnh có gần 6.000 ngôi nhà bị tốc mái, chủ yếu ở 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy; Hàng nghìn cây xanh và cột điện bị gãy đổ…
Nhiều nhà xưởng ở Kiến Xương – Thái Bình bị tốc mái. Ảnh: Phạm Hải |
Toàn tỉnh bị mất điện cục bộ từ đêm 28/10, đến chiều 29/10 mới chỉ cấp lại được cho một số nơi.
Thiệt hại ban đầu chưa thể ước tính.
Quảng Ninh: 2 người mất tích
Theo tin từ BCH PCLB tỉnh, bão số 8 đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Quảng Ninh, gió trong bão phổ biến ở cấp 8 đến 10, giật cấp 11, cấp 12, gây mưa to đến rất to. Lượng mưa tại khu vực Hạ Long 262 mm, Cô Tô 220 mm.
Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 2 người mất tích; 16 tàu thuyền bị chìm;
90 bè, mảng trôi dạt; 101 nhà tốc mái; 9 nhà đổ; 3.087 ha lúa, hoa màu bị ngập,
đổ; 6 cột điện hạ thế và cột viễn thông bị đổ; sạt lở hơn 50.000 m3 đường trên
quốc lộ 18A, 18C...
Thiệt hại do bão số 8 gây ra ước trên 45 tỷ đồng.
Hải Phòng: Thiệt hại lớn nhất trong 10 năm qua
Theo đánh giá, cơn bão số 8 đổ bộ vào Hải Phòng vừa qua là trận bão lịch sử, gây
thiệt hại nặng nề nhất cho thành phố này trong suốt 10 năm qua. Bão số 8 liên
tục đổi hướng vào đất liền khiến cho người dân thành phố Hải Phòng không kịp trở
tay.
Cây cổ thụ đổ trên phố ở TP.Hải Phòng |
Các huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm: Cát Hải, Kiến Thụy và đảo Cát Bà.
Sau bão, Hải Phòng có 1 người thiệt mạng là anh Nguyễn Văn Thịnh (37 tuổi, đảo Cát Bà); 9 người bị thương và 4 người khác hiện vẫn đang mất tích. Số người bị chết và mất tích chủ yếu là ngư dân nuôi trồng thủy sản và thủy thủ đang làm việc, neo đậu tàu thuyền tại huyện Cát Hải
Toàn thành phố có 3.600 ngôi nhà, trang trị bị tốc mái và bị sập; 47 tàu thuyền, phương tiện bị chìm; 849 cột điện bị gãy đổ; 2.000 cây xanh cổ thụ bị bật gốc; hàng chục container rơi xuống biển; hàng trăm bè nuôi trồng hải sản, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm vỡ hỏng; hơn 9.000 ha lúa chín và cây trồng chuẩn bị thu hoạch bị chìm sâu trong nước…
Nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước |
Bão số 8 cũng làm 500m cơ (phần đệm chân đê) và 200m đê đang kè dở phía ngoài biển bị sập.
Sau bão, ngày 29/10, Hải Phòng ngập sâu trong nước, nhiều khu vực mất điện, nước cục bộ.
Thiệt hại ban đầu ước tính trên 400 tỷ đồng.
Nam Định: 2 người chết, thiệt hại gần 900 tỷ đồng
Theo xác định, toàn tỉnh có 2 người chết là ông Nguyễn Văn Toán (Hải Đường, Hải Hậu, do tàu đắm) và bà Cao Thị Tuyết (thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy, bị nhà sập); 3 người bị thương; 1 người mất tích là anh Trần Văn Trường (Giao Hải, Giao Thủy).
Huyện Giao Thủy là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 8.
Toàn tỉnh có 200m2 đê kè thuộc huyện Giao Thủy bị sụt lún; Gần 6.000 ha lúa mùa và hơn hơn 12.000 ha cây vụ đông bị đổ và ngập úng; trên 600 chòi canh bị đổ sập; 700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại; 14 tàu thuyền bị chìm…
Diêm dân Hải Hậu mất trắng vụ muối |
Bưu chính viễn thông bị đổ 31 cột thu phát sóng, 19 tuyến cáp quang bị đứt, hàng nghìn cây xanh, cột treo cáp bị đổ gãy. Nghiêm trọng nhất cột thu phát sóng Đài PT-TH tỉnh cao 180m bị đổ gãy, ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng.
Toàn tỉnh ước thiệt hại ban đầu trên 887 tỷ đồng. Trước mắt, tỉnh sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ hỗ trợ 500 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo để khắc phục bão.
Ninh Bình: Không có thiệt hại về người
Theo ghi nhận, khi bão số 8 quét qua, tại Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10 và vùng ven biển gió cấp 8, giật cấp 12.
Sau bão, toàn tỉnh có 7.220 lều, chòi, nhà cửa bị đổ, tốc mái; gẫy đổ 149 cột điện; làm hư hỏng trên 5.392 ha cây vụ đông; ảnh hưởng đến 300 ha ngao; làm đổ gẫy 5.058 cây ăn quả, cây lấy gỗ... Bão số 8 không gây thiệt hại về người, các công trình đê điều được đảm bảo.
Thanh Hóa: Thiệt hại hơn 250 tỷ đồng
Ngày 30/10, BCH PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù bão số 8 không đổ bộ trực tiếp vào Thanh hóa, nhưng đã gây thiệt hại về tài sản, sản xuất cho nhân dân các huyện ven biển.
Một số lều lán của người dân bị bão giật tung. Ảnh: Thanh Lê |
Trong đó, bão đã làm đổ 3 căn nhà; tốc mái: 2.172 nhà và 3 phòng học. Bão cũng đã gây đổ, gãy 3.640 ha ngô vụ đông; 2.446 ha hoa màu các loại bị dập, hư hỏng; 1.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 40 cột điện hạ thế bị đổ, gãy; 16.500 m dây điện thoại, cáp quang bị đứt; 11km bờ biển tại Sầm Sơn, Quảng Xương và đê cửa sông ở Nga Sơn bị sạt lở.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 8, có 2 chiếc thuyền đánh cá của ngư dân bị
hư hỏng và chìm…Ước tính thiệt hại ban đầu do bão số 8 gây ra hơn 257 tỷ đồng.
Nghệ An: 1 ngư dân mất tích do bão
Trưa 27/10, trên đường vào bờ tránh bão, tàu cá do ông Võ Văn Hường (ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) làm thuyền trưởng chở theo 8 ngư dân gặp sóng lớn, anh Hoàng Văn Đông, 46 tuổi, bị quật rơi xuống biển mất tích. Đến tối cùng ngày, vẫn chưa tìm thấy.
Quảng Bình: Đê sập, thiệt hại 120 tỷ
Đoạn đê chắn bị sập |
Dù chỉ bị bão số 8 quét nhanh qua song 330m đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La (Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bị sóng đánh sập. Ước thiệt hại ban đầu của việc hư hỏng đê chắn sóng này khoảng 120 tỷ đồng.
Quảng Ngãi: Lật thuyền, 3 người chết
Khi dùng xuồng đi đón con gái là Võ Thị Tin và cháu ngoại, chiếc xuồng của ông Võ Văn Hùng (57 tuổi, thôn Du Quang, xã Phổ Quang, Đức Phổ) đã bị lật trên sông khiến cả 3 người bị cuốn trôi, tử vong.
Đến sáng 29/10, sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng cứu hộ xã Phổ Quang mới tìm được thi thể cháu bé.
Theo ghi nhận, tại thời điểm trên, khu vực tỉnh Quảng Ngãi đang có gió mạnh cấp 7.
Những hình ảnh khắc phục hậu quả bão số 8:
Các bộ và nhân viên điện lực Nam Định khắc phục sự cố tại huyện Hải Hậu Cột vi-ba ở huyện Vũ Thư - Thái Bình bị đổ sập sau bão Cửa hàng xe máy ở Hải Hậu – Nam Định bị đổ sập, đè bẹp nhiều xe máy Thuyền bè bị sóng đánh dạt trên bờ dù ngư dân đã chằng néo cẩn thận. Ảnh Phạm Hải |
Ảnh Anh Tuấn |
M.Anh – Thanh Lê