Người Mông tìm đến Cao nguyên đá Đồng Văn khai phá, định cư, thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và kiên cường bám trụ từ lâu đời. Nếu như nghề rèn chỉ dành cho đàn ông thì nghề xe lanh dệt vải dành cho phụ nữ và họ đã tạo nên một nét văn hóa thổ cẩm rực rỡ sắc màu giữa ngút ngàn đá xám ngắt của vùng cao nguyên cằn cỗi.

Trong 17 dân tộc sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn chỉ người Mông có nghề trồng Lanh dệt vải và có tín ngưỡng về cây Lanh.

Từ bao đời nay, người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn luôn truyền tai nhau câu nói: “Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông” để nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của cây Lanh trong đời sống người Mông. Cây Lanh không chỉ cung cấp chất liệu để may quần áo, làm vật dụng trong gia đình… Lanh đã ăn sâu vào đời sống, tín ngưỡng, tâm linh, trở thành biểu tượng văn hoá tinh thần đặc sắc của người Mông nói chung và người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn vẫn duy trì nghề trồng lanh, dệt lanh và mặc trang phục bằng vải lanh bởi vì các sản phẩm đó được làm từ lanh - một loài cây mang biểu tượng, dấu hiệu tộc người, nhắc nhở người Mông luôn luôn nhớ về cội nguồn và niềm tự tôn dân tộc. 

W-detlanh.png
Ảnh minh hoạ

Cùng với sự phát triển của du lịch trải nghiệm, nghề dệt lanh truyền thống trên vùng Cao nguyên đá ngày càng được nhiều người biết tới.

Nghề dệt lanh không chỉ là nghề truyền thống cần được bảo tồn mà còn là một trong những nghề mang tính bền vững tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương. 

Vải lanh dùng phổ biến trong may mặc trang phục truyền thống của người Mông nhờ độ bền cao, làm từ sợi thực vật 100% nên hút ẩm tốt, khi mặc cho cảm giác thoáng mát. Hiện nay, với sự phát triển của lối sống xanh, người tiêu dùng hướng tới tiêu dùng bền vững nên vải lanh dệt tay truyền thống của người Mông đã được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực thời trang, tạo nên những sản phẩm quần áo ấn tượng, đồ lưu niệm đẹp mắt.

Khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu và tỉnh Hà Giang đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng cao nguyên đá thì các sản phẩm từ vải lanh như khăn, áo váy, túi xách… đã được bán rộng rãi để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Sự độc đáo từ chất liệu vải lanh đã được các nhà thiết kế tạo thành các sản phẩm thời trang độc đáo cho các văn nghệ sĩ khi biểu diễn ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sản phẩm vải lanh còn là sự lựa chọn của các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài nước dùng để trang trí nội thất. Vì vậy, hằng năm, các hợp tác xã dệt lanh tại 4 huyện cao nguyên đá đều có đơn đặt hàng của một số nước như Pháp, Đức…

Để bảo tồn và phát triển nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã đề ra các chính sách khuyến khích như: Hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật cho đồng bào khi gieo trồng cây lanh; phối hợp với các nghệ nhân là phụ nữ dân tộc Mông mở các lớp sơ chế, nhuộm và dệt vải lanh cho các em gái dân tộc Mông…Vì vậy, nghề dệt vải lanh của phụ nữ dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá không ngừng được phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Kim Duyên và nhóm PV, BTV