- Ngày 3/2, TAND quận 11 (TP.HCM) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” của bị cáo Phan Bá Dũng (nhân viên bảo vệ, 24 tuổi, quê Nghệ An). Nạn nhân là một học sinh cấp 3, với thương tật 12% vĩnh viễn…  
Vụ án từ chiếc nón bảo hiểm

Đúng 8 giờ sáng, trước cửa phòng xử án của TAND quận 11 có rất nhiều học sinh đến chờ dự khán. Vụ án bảo vệ Phan Bá Dũng đánh học sinh xảy ra gần một năm về trước nhưng dư luận, những người trong cuộc vẫn đặc biệt quan tâm. Họ đến sớm để theo dõi phiên xử…
Bị cáo cuối đầu trước vành móng ngựa.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Dũng cúi gằm khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng. Theo đó vào khoảng 19 giờ ngày 30/5/2011, học sinh Trần Hoàng Ân – lớp 12A1 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11, TP.HCM) cùng nhóm bạn học lớp tổ chức liên hoan tại lầu 5 siêu thị Lotte Mart thuộc tòa nhà Everrich, quận 11. Tiệc tàn, Ân cùng các bạn xuống tầng hầm B1 của tòa nhà lấy xe để về. Phát hiện mũ bảo hiểm bị mất nên giữa Ân và bảo vệ Hoàng Thế Vinh (nhân viên Công ty dịch vụ bảo vệ Long Hoàng làm nhiệm vụ bảo vệ tại siêu thị) xảy ra cự cãi, Ân dùng nón bảo hiểm đánh anh Vinh nhưng người này né được.

Lúc này, Phan Bá Dũng từ khu vực bên ngoài chạy vào liền dùng bộ đàm đánh vào trán Ân gây thương tích. Chứng kiến sự việc, nhóm học sinh vào can ngăn rồi đánh nhau với nhóm bảo vệ. Phát hiện sự việc, công an phường 15 đến lập hồ sơ ban đầu, sau đó chuyển cho công an quận 11 xử lý.

Theo kết quả giám định, học sinh Trần Hoàng Ân bị chấn thương đầu gây vỡ sụp thành trước xoang trái phải với tỷ lệ thương tật 12% vĩnh viễn. Nhân viên bảo vệ Phan Bá Dũng bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích”.

Bảo vệ hung hăng và bản án tù

Tại tòa, bị cáo Phan Bá Dũng thừa nhận mình đã dùng máy bộ đàm gây thương tích cho học sinh Trần Hoàng Ân. Dũng khai, lúc đó bị cáo được phân công nhiệm vụ trực ở khu vực bên ngoài, cách nơi xảy ra sự việc khoảng 40 mét nên khi nghe có tiếng ồn ào qua bộ đàm biết rằng có nhóm học sinh gây rối nên chạy vào để hỗ trợ giải quyết.

“Vậy bị cáo xuống hỗ trợ như thế nào? Bị cáo thấy gì?” – “Bị cáo thấy nhóm học sinh có hơi men. Học sinh Ân có những lời lẽ thô tục với bảo vệ, chửi bảo vệ, còn nói bảo vệ ăn trộm nón bảo hiểm nên mới xảy ra xô xát”. “ Vậy khi xảy ra xô xát có ai tấn công bị cáo không?” – “Không”. “Nhiệm vụ của bị cáo có được giao trực ở khu vực đó không?” – “Không”. “Vậy bị cáo có suy nghĩ gì về hành vi của mình?” – “Bị cáo đã sai”, Dũng ấp úng trả lời thẩm vấn.

“Khu vực siêu thị này là nơi tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Nhóm học sinh là khách hàng nhưng độ tuổi còn nhỏ, là học sinh nên còn thiếu chín chắn trong khi bị cáo là bảo vệ sao lại hành xử như vậy? Trách nhiệm của người bảo vệ là giữ gìn, duy trì trật tự, an toàn cho tài sản, tính mạng người khác…bị cáo nghĩ sao mà hành động như vậy?” – “Dạ, bị cáo sai rồi, bị cáo xin tòa xem xét, xử bị cáo mức án nhẹ để bị cáo sớm về với gia đình”…bị cáo Dũng khẩn khoản.

Được mời lên thẩm vấn, trái ngược với lời khai của Dũng, trong chiếc áo sơ mi trắng, học sinh Trần Hoàng Ân khẳng định khi phát hiện mất nón bảo hiểm “cháu chỉ nói mấy anh bảo vệ làm ăn gì kỳ cục vậy chứ không xúc phạm bảo vệ, không đánh bảo vệ ạ”. Suốt phần thẩm vấn lời khai của hai bên vẫn tiếp tục mâu thuẫn, bị hại cho rằng mình không hề tấn công bảo vệ trước còn bị cáo lại khẳng định mình bị đánh trước nên mới “nổi nóng”, gây nên chuyện…
 
Chủ tọa phân tích quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành lấy đầy đủ lời khai của bị cáo, bị hại và nhóm học sinh, những người có mặt để làm sáng tỏ diễn biến vụ việc nhưng những lời khai này luôn có nhiều tình tiết mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, qua băng ghi hình tại tầng hầm cho thấy, khi xô xát học sinh Ân có dùng mũ bảo hiểm đánh bảo vệ Vinh nhưng không trúng. Còn bị cáo Dũng, các học sinh hoàn toàn không có hành vi tấn công, kích động…nhưng Dũng đã xông vào dùng bộ đàm đánh học sinh, điều này thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật như Viện kiểm sát kết luận là có căn cứ.

Trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án, Phan Bá Dũng rớm nước mắt, ngập ngừng quay xuống phía dưới cúi đầu xin lỗi nạn nhân, thừa nhận hành vi sai phạm. Vị chủ tọa nghiêm giọng nhắc nhở bị cáo cũng như đại diện Công ty dịch vụ Bảo vệ Long Hoàng:“Vụ án xảy ra rất đáng tiếc. Các học sinh chia tay vui vẻ nên có thể có những lúc quá đà nhưng không cần thiết phải sử dụng vũ lực để trấn áp, nếu phía công ty đào tạo nghiệp vụ tốt cho nhân viên, nhân viên bảo vệ biết ứng xử đúng đắn hơn thì vụ án đáng tiếc đã không xảy ra.”

Nhận định hành vi của bị cáo rất nghiêm trọng, viêc dùng hung khí nguy hiểm tấn công học sinh là thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật…Tòa án quận 11 đã tuyên phạt Phan Bá Dũng mức án 2 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”.

Phiên tòa khép lại, nhưng bài học rút ra đối với các công ty bảo vệ là rất lớn; chỉ vì thiếu kiềm chế và sự non kém nghiệp vụ, nhân viên bảo vệ đánh mất hình ảnh của mình và công ty, tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội đối với ngành nghề này..   

•    M.Phượng