-Danh sách các dự án thế chấp ngân hàng tại TP.HCM, được Sở Tài nguyên - Môi trường công bố, đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều trên thị trường. Trong đó, có những ý kiến ghi nhận sự tích cực, cũng có ý kiến phản ứng trái chiều.

Động thái công bố này được thực hiện theo yêu cầu tại Công văn số 2043/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 30/5/2016 và Công văn số 6018/VP-ĐTMT ngày 27/6/2016 của Văn phòng UBND TP.HCM, về việc rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn.

Liên quan đến việc rà soát các dự án thế chấp, trước đó, The Harmona là điểm nóng được dư luận nhắc đến vì ngân hàng bỗng dưng ra thông báo đòi căn hộ mà người dân đã vào ở khoảng 3 năm nay. Chuyện chủ đầu tư đã bán căn hộ lại còn mang đi thế chấp trái phép, đã được giải quyết sau đó. Tuy nhiên, hệ lụy của nó đối với niềm tin trên thị trường vẫn còn dư âm.

{keywords}

Chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ trước khi bán cho khách

Đây là lần đầu tiên 1 địa phương công bố danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng công bố chủ động thông tin để người dân nắm bắt, không để vào thế bị động.

Trong danh sách công bố ngày 14/7, có 77 dự án tại TP.HCM, được chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng. Rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước như: Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Tập đoàn SSG, Công ty Liên doanh TNHH Capitaland - Vista… đều nằm trong danh sách này.

Cá biệt, 1 số dự án đã bị thế chấp từ năm 2010 như chung cư Phú Thạnh (53 Nguyễn Sơn, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú), dự án Ruby Garden (12/6 Lũy Bán Bích, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú)... Đây đều là những chung cư đã bàn giao căn hộ cho dân vào ở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thông tin về việc thế chấp dự án được công khai là điều tốt, nhưng cần phải rõ ràng, để tránh chuyện hiểu nhầm không đáng có. Đơn cử như Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát thế chấp một số căn hộ và sàn thương mại được ghi rất chi tiết. 

Mặt khác ông Châu cũng cho rằng, việc công bố tên các cá nhân thế chấp căn hộ tại các ngân hàng là không cần thiết. Điều này có thể ảnh hưởng đến bí mật riêng tư của cá nhân khách hàng.

Giám đốc 1 doanh nghiệp bất động sản chuyên phân phối các dự án tại TP.HCM, cho biết, khi thông tin doanh nghiệp thế chấp dự án được công bố, rất nhiều khách hàng đã gọi điện, kể cả to tiếng đòi nhân viên môi giới giải thích. Sau sự cố The Harmona, nhiều người nghĩ chuyện thế chấp dự án là rất tiêu cực, nhưng thực sự đa phần các chủ đầu tư, kể cả những doanh nghiệp uy tín, có vốn ngoại họ cũng thế chấp để vay vốn, miễn sao họ làm đúng quy định, giải chấp căn hộ đó trước khi bán cho khách hàng. Do vậy, thà không công bố thông tin thì thôi, đã công bố thì phải cụ thể để không bị xáo trộn thị trường.

Được biết, 77 dự án có tên trong danh sách lần này là những dự án đã có thông báo của Sở Xây dựng đủ điều kiện kinh doanh, bán hoặc cho thuê nhà hoặc những dự án đang có hồ sơ yêu cầu Sở Xây dựng xem xét điều kiện huy động vốn. Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật danh sách trong thời gian tới.

Quốc Tuấn