Bây giờ ở A Lưới, những chiếc bẫy rùa dưới khe suối ít đi, nhưng ở đâu đó vẫn có chuyện vô tình nhìn thấy và bắt được rùa vàng.

“Vận may” dưới khe suối

Suối A Lin nằm sâu dưới ngọn núi, uốn lượn giữa đại ngàn Trường Sơn tạo nên bức tranh tuyệt đẹp.

Đây không chỉ là địa điểm hoang sơ thu hút khá nhiều lữ khách mà từ lâu là nơi mưu sinh của người dân A Lưới. Và cũng chính ở con suối này, đằng sau mẻ cá, ốc của dân bản là những lần họ thấy được rùa vàng.
{keywords}
Ảnh minh họa.

Lúc chưa đặt vấn đề về câu chuyện rùa vàng mà chỉ tỏ ý muốn khám phá con suối, chàng thanh niên trẻ N.H.L (xã Hồng Trung) chẳng ngần ngại băng rừng dẫn đến chân suối.

Nhưng khi ngỏ ý về chuyện bắt rùa vàng ở đây thì L ngập ngừng kể: “Ở khe suối này, ngoài việc soi ếch, bắt cá, chỗ này trước đây có nhiều người hay đến tìm rùa vàng, thậm chí còn đặt bẫy. Hiện nay, rùa vàng rất hiếm, khó tìm thấy nên ít người đặt bẫy như trước”.

Chính L cũng thừa nhận nhiều lần đến nơi đây để thử tìm nhưng vận may chưa một lần mỉm cười với anh.

Trò chuyện với người dân thôn bản xung quanh con rùa vàng, chúng tôi thuyết phục được anh L.T.H dẫn đến gặp anh H.V.M (xã Hồng Trung), người từng vô tình tìm thấy rùa vàng trong năm nay.
{keywords}
Khe suối A Lin, nơi người dân vô tình tìm thấy rùa vàng

Anh M tỏ vẻ cảnh giác trước những câu hỏi của chúng tôi nhưng khi nghe tôi bảo: “Chuyện bắt rùa vàng ở A Lưới thì ai cũng biết và đây là động vật cấm săn bắt ai cũng rõ”, lúc đó, anh M mới chia sẻ:

“Vào khoảng tháng 3, trong một đêm đi soi ếch cùng những người bạn, tui vô tình thấy và bắt được 2 con rùa vàng.

Mang về xác minh rồi bán cho thương lái với giá 800 triệu đồng. Chia nhau mỗi người được 400 triệu đồng. Tụi tui không chủ định đi bắt mà chỉ tình cờ nhìn thấy rồi bắt được”.

Không phải ai cũng may mắn thấy được rùa vàng như anh H.V.M. Chỉ những người vô tình, gặp vận may mới nhìn thấy được rùa. “Đặt bẫy mà trời không cho cũng chịu.

Đó như “món quà” của tự nhiên nên trời cho ai thì người đó mới thấy được”, anh M nói.

Cuộc sống đổi thay

Căn nhà tuềnh toàng của anh H.V.M nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, muốn vào nhà phải đi qua con đường nhỏ sụt lún đầy bùn.

Trong căn nhà, ngoài vợ con M còn có người mẹ già mắc bệnh nặng. Bắt được rùa cũng là lúc cuộc sống của gia đình anh như bước sang trang mới. Anh M cho biết: “Vợ chồng có 4 sào ruộng nhưng chỉ trồng được một vụ với năng suất hơn 2 tạ.

Bố đã mất, mẹ mắc bệnh nặng, không có tiền đi bệnh viện. Từ khi tìm được rùa bán được 400 triệu đồng thì lúc đó cuộc sống bớt khổ hơn. Có tiền, tui mua được một miếng đất mới ở chỗ khác để xây nhà và có tiền thuốc thang cho mẹ”.

Như anh M, đầu năm nay, anh H.C.L (xã Hồng Trung) cũng được “trời cho” khi 2 lần tìm thấy rùa vàng.

Bán rùa được hơn 500 triệu đồng, vợ chồng anh bàn bạc với nhau giúp đỡ bà con nội ngoại một phần của số tiền. Phần còn lại, anh chị sắm sửa những vật dụng trong gia đình và nuôi con ăn học.

“Trước đây, gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Vợ chồng hầu như không có chi hết, chỉ sống với 2 sào ruộng kết hợp vài con gà.

Đầu năm vừa rồi, được “trời cho” tìm thấy rùa vàng, gia đình đỡ lo lắng về tài chính. Sau đó, vợ chồng đồng thuận với nhau cho tất cả anh em nội ngoại 100 triệu đồng, mua xe máy 40 triệu và mua xe đạp điện cho con hết 8 triệu.

Số còn lại gửi ngân hàng để sau này thực hiện dự định sửa lại nhà và mở một cửa hàng nhỏ để kinh doanh”, anh L chia sẻ.

Theo lời kể của những người dân ở A Lưới, thời điểm săn rùa vàng nở rộ cũng là lúc có những gia đình nảy sinh mâu thuẩn, nghi kỵ lẫn nhau.

Lý do mà họ đưa ra là bởi giá trị quá cao của loài động vật này nên sau khi bắt được rùa đem bán cho lái buôn, các thành viên trong gia đình không tin tưởng mức giá của người thân mang đi bán dẫn đến bất hòa.

Nhưng nay, những câu chuyện đó đã được đẩy lùi vào dĩ vãng.

“Bây giờ còn chuyện người dân đổ xô đi tìm rùa vàng nữa không?”. Một người dân ở A Lưới chắc nịch: “Rùa vàng có nữa mô mà đi tìm. Tụi tui cũng được tuyên truyền đây là loài vật quý hiếm nên không ai đi “săn” nữa”.

Ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới cho biết: “Rùa vàng là loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IB, nguy hiểm cần được bảo tồn nên cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức.

Hàng năm, thông qua chính quyền địa phương, người dân, các chủ quán, nhà hàng trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ, không săn bắt, tiêu thụ động vật trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ rừng.

Theo Báo Thừa Thiên Huế