- Vụ kinh doanh trái phép tiền điện tử - Liberty Reserve (LR) lần đầu tiên bị phát hiện ở Việt Nam, do Cục Cảnh sát hình sự xử lý đã cho thấy đây là một mắt xích trong một quá trình phạm tinh vi và phức tạp.

Xem bài khác trên Vef.vn Vụ án liên quan đầu tiên liên quan đến LR

Ngày 28/5, Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết, đã kết luận điều tra vụ án kinh doanh trái phép tiền điện tử Liberty Reserver (viết tắt là tiền LR). Đây là vụ án lần đầu tiên được xử lý tại Việt Nam, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo nhận định của các điều tra viên, LR có thể là “điểm cuối cùng” trong quá trình hoạt động phạm tội; từ mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp hàng hóa, tống tiền, làm thẻ tín dụng giả, cá độ bóng đá... đều được các đối tượng thanh toán cho nhau bằng LR, sau đó được đổi thành tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ.

Vụ án nói trên bắt nguồn từ việc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI) Bộ Công an nhận được công văn của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ và từ Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia đề nghị hỗ trợ xác minh về tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh cắp dữ liệu trong hệ thống máy tính để tống tiền. Đường dây này liên quan bốn người Việt Nam cư trú tại Hải Phòng được báo nhận tiền thông qua hệ thống chuyển tiền của Western Union.

{keywords}

Qua điều tra, sự thật được bóc vỏ đầy bất ngờ: cơ quan cảnh sát điều tra lại phát hiện những người được nêu tên trên chưa từng đến nhận tiền tại các đại lý Western Union.

Cơ quan công an xác định các giao dịch trên được thực hiện qua Công ty cổ phần Thịnh Vũ (có trụ sở tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng, do Vũ Văn Lăng, 30 tuổi, làm giám đốc), Công ty TNHH Giao Dịch Nhanh (ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng, do Nguyễn Thế Dũng làm giám đốc). Và tất cả giao dịch trên đều do Vũ Văn Lăng “phù phép” bằng cách sử dụng bản photocopy CMND của những người có tên trên lập chứng từ để nhận tiền.

Theo các điều tra viên, Vũ Văn Lăng lập ra Công ty Thịnh Vũ từ năm 2008, làm đại lý phụ cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Hải Phòng (BIDV Hải Phòng) để chi trả kiều hối thông qua hệ thống Western Union. Tuy nhiên, mục đích của Lăng không phải để kinh doanh mà để có quyền chi trả ngoại tệ phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử LR.

Lăng đã sử dụng bản sao giấy CMND của nhiều người lập hồ sơ khách hàng để nhận tiền của Western Union thông qua các đại lý chi trả Western Union của Thịnh Vũ, Nam Phong và Giao Dịch Nhanh. Lăng đã thu mua LR từ trong nước và nước ngoài sau đó bán cho người nước ngoài để thu lợi, các giao dịch nói trên được thực hiện thông qua mạng Internet. Những người mua LR của Lăng trả tiền bằng cách gửi tiền về cho y thông qua đại lý Western Union mà chính Công ty cổ phần Thịnh Vũ làm đại lý của dịch vụ này.

Ngày 3-6-2011, Western Union Việt Nam đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Thịnh Vũ do phát hiện công ty này có nhiều vi phạm và có liên quan đến tiền điện tử. Tháng 6-2011, Công ty cổ phần Thịnh Vũ bị Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hải Phòng tước giấy phép kinh doanh. Để tiếp tục thu lợi từ việc kinh doanh LR, Vũ Văn Lăng đã thỏa thuận với Nguyễn Thế Dũng và Nguyễn Văn Chiển (giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nam Phong) mở đại lý phụ của ngân hàng để chi trả ngoại tệ từ Western Union giúp Vũ Văn Lăng kinh doanh trái phép. Đổi lại, Dũng và Chiển sẽ nhận được khoản phí hoa hồng mà ngân hàng chi trả.

Liberty Reserve vươn vòi tới Việt Nam

Trong khi đó, trên thực tế, ở Việt Nam đã có một trang web tiếng Việt có liên hệ với Liberty Reserve hoạt động. Dù chưa được cấp phép nhưng trang web này đã cung cấp dịch vụ chuyển tiền và quảng bá có giao dịch với các ngân hàng trong nước.

Qua hệ thống thanh toán online Liberty Reserve, người dùng sẽ chuyển từ USD hoặc euro sang một loại tiền ảo để giao dịch trên Internet. Hệ thống Liberty Reserve gọi loại tiền này là "tiền LR".

Ngay trang chủ của website này có phần hỗ trợ cho phép người dùng mua và bán tiền LR và theo giới thiệu, việc chuyển tiền sẽ được gửi qua một trong 4 ngân hàng của Việt Nam là Vietcombank, Vietinbank, Đông Á và Á Châu. Trang web được xây dựng từ cuối năm 2012 và những tin tức do các quản trị viên bắt đầu đăng tải từ tháng 11/2012.

{keywords}

Trên website này không có địa chỉ, trụ sở làm việc cũng như những thông tin liên quan đến chủ sở hữu. Liên hệ tới trang web này qua đường dây nóng của website này vào chiều 29/5 thì một nam thanh niên trả lời điện thoại xác nhận trước thứ 6 (24/5), webstie có hỗ trợ nhận chuyển tiền từ nước ngoài về qua Liberty Reserve ở Mỹ.

"Tuy nhiên, website ở Mỹ bị đánh sập từ thứ 6 và bản thân chúng tôi cũng là nạn nhân mất tiền", người này cho biết. Anh cho biết những khách hàng giao dịch qua website mà nhưng chưa kịp rút trước 24/5 chắc chắn sẽ mất hết tiền. Mặc dù vậy, người này khẳng định trang web tại Việt Nam không phải một chi nhánh của "đại gia" Liberty Reserve ở Mỹ mà chỉ là một "exchanger" (đối tác nhận đổi tiền).

Đặc biệt, ngay sau khi website chuyển tiền của Mỹ ngừng hoạt động, website Liberty Resever tại Việt Nam này cũng gửi thông báo dừng mọi hoạt động và "chia buồn" vì sự cố. "Chúng ta đều là những nạn nhân trong sự cố vừa qua. Đây là cú sốc lớn nhưng tôi hi vọng tất cả sẽ không mất hy vọng mà cùng nhau vượt qua khó khăn này. Trong thời gian này mọi hoạt động giao dịch sẽ không thể thực hiện được, kể cả giao dịch đổi tiền liên ngân hàng Việt Nam", ban quản trị viết.

Ngân hàng Việt Nam vô can

Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền khẳng định không có thông tin về chủ sở hữu của trang web này. Theo phỏng đoán, có thể họ mở các tài khoản thông thường tại những ngân hàng trên mà không khai báo là nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền.

Theo vị chuyên gia, nếu đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam thì không có sự tồn tại của đồng tiền LR. Tiền LR không được chấp nhận là một ngoại tệ. Cần phải làm rõ trang web này có phải một điểm thu đổi ngoại tệ hay không

Ông Ngô Ngọc Đông, Tổng giám đốc Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (BankNet) khẳng định, đơn vị này không có hoạt động nào liên quan đến Liberty Reserve. Theo ông Đông, trong các giao dịch quốc tế, Banknet đều phải kết nối trực tiếp với các công ty chuyển mạch quốc gia của các nước.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng nhấn mạnh nhà băng này không có quan hệ giao dịch với Liberty Reserve. Theo ông Tuấn, khách hàng từ nước ngoài muốn chuyển tiền vào tài khoản mở tại Viecombank chỉ bằng hai cách. Thứ nhất là thông qua ngân hàng nơi khách hàng đang cư ngụ, hoặc sử dụng dịch vụ của ba đối tác nói trên của Vietcombank, chứ không thể qua công ty nào khác.

Ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - cho biết: “Chúng tôi không có ký kết hợp đồng nào với công ty chuyển tiền Liberty Reserve.

Trong khi đó, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) cho biết, Cục Phòng chống rửa tiền, trực thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN vẫn đang thu thập thông tin về vụ việc.

Ông cũng khẳng định phía các ngân hàng VN không có ngân hàng nào liên quan tới website rửa tiền này. Là 1 trong 4 ngân hàng ở VN có tên trên trang web này, Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, việc trang web này công bố công khai danh tính các nhà băng để các khách hàng chuyển tiền qua lại có thể là việc mở tài khoản thông thường, không phải là đối tác hay đại lý gì của nhau.

PV (tổng hợp)