Một nhà khoa học Australia đã phát hiện một nhóm khỉ đột cái đang có các màn "yêu đương" đồng tính. Đây là lần đầu tiên hành vi tình dục đồng tính kiểu này được chính thức ghi nhận trong thế giới tự nhiên hoang dã.
Hai con khỉ cái bị bắt quả tang đang ân ái ở một bơi kín đáo. Ảnh: Daily Mail |
Giáo sư, tiến sĩ Cyril Grueter, một chuyên gia về động vật linh trưởng thuộc Đại học Tây Australia đã có khám phá kinh ngạc nói trên khi đang nghiên cứu tập tính ăn uống của khỉ đột núi ở Rwanda, Đông Phi.
"Thay vì chứng kiến xung đột giữa các khỉ cái vì thức ăn, chúng tôi lại quan sát thấy chúng thực hiện hành vi tình dục. Điều này quả thực rất đáng ngạc nhiên", tiến sĩ Grueter cho biết.
Thông qua các quan sát chặt chẽ hàng ngày trong suốt 2 năm, nhà nghiên cứu này ghi nhận, phần lớn khỉ đột cái tìm tới bạn đồng giới để thỏa mãn ham muốn tình dục khi bị các con đực chối bỏ.
Theo báo cáo, trong số 22 con khỉ đột cái được theo dõi trong giai đoạn 2008 - 2010, có 18 con tham gia các hành vi tình dục với những con cái khác, kể cả áp sát, cọ xát các cơ quan sinh dục vào nhau và phát ra những tiếng kêu khoái cảm trong khi "thân mật".
"Chúng rõ ràng đang thỏa mãn nhu cầu tình dục của nhau ... Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này. Điều thường xảy ra là, một con khỉ cái cưỡi lên cơ thể một con khỉ cái khác, cọ bụng cũng như cơ quan sinh dục của chúng vào nhau. Đây là biểu hiện thân mật phổ biến nhất", tiến sĩ Grueter giải thích.
Ông Grueter nhận định, hành vi của các khỉ cái dường như đơn thuần bắt nguồn từ sự kích thích tình dục của bản thân, hơn là sức hấp dẫn của đối tác. Dẫu vậy, điều này cũng cho thấy sự linh hoạt trong sở thích tình dục của chúng.
Đặc biệt, tiến sĩ Grueter còn quan sát thấy, những con khỉ cái "yêu" đồng tính có xu hướng chọn chỗ kín đáo để hành sự, chẳng hạn như ở những nơi có cây cối um tùm che lấp. Trong hơn 1/4 số trường hợp giao phối đồng tính, ít nhất một con khỉ cái cũng đã làm "chuyện ấy" với một con khỉ đực ngay trước hoặc sau đó một ngày.
Do khỉ đột là loài họ hàng gần gũi với con người, nên ông Grueter cho rằng, quan sát các hành vi của chúng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn đôi chút về quá trình tiến hóa của chính loài người.
Tuấn Anh (theo Daily Mail)