Em và anh ấy kết hôn được 1 năm, hiện em đang có bầu 3 tháng. Nhưng em vừa mới phát hiện chồng em có bồ ở bên ngoài, thường xuyên qua đêm với cô ta.

TIN BÀI KHÁC

Em năm nay 20 tuổi, còn chồng em 29 tuổi. Liệu em có nên ly hôn và em có được quyền nuôi con? Nếu ly hôn và em nuôi con, mỗi tháng anh ấy có nghĩa vụ góp tiền nuôi con bao nhiêu?

{keywords}
(Ảnh minh họa)


Luật sư tư vấn:

Khoản 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định về căn cứ cho ly hôn như sau:

“Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 thì Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình”.

Chiếu theo quy định này, vì lý do chồng của bạn ngoại tình, bạn có thể làm đơn ly hôn. Tuy nhiên, hôn nhân là chuyện hệ trọng, vợ chồng ai cũng có những giây phút lỡ lầm. Trước khi quyết định ly hôn, bạn nên chủ động hoặc nhờ gia đình, bạn bè thân thích khuyên bảo và nhắc nhở anh ta chấm dứt quan hệ với bạn gái của anh ấy.

Về quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn:

Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

“1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác”.

Theo đó, quyền nuôi con sẽ thuộc về bạn, trừ khi giữa hai bạn có thỏa thuận khác. Chồng của bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cho đến khi con bạn đã thành niên. Mức tiền cấp dưỡng do hai bạn tự thỏa thuận, căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của chồng bạn và nhu cầu thiết yếu của con bạn; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).