Dư luận đang xôn xao việc ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T xin mua sân bay quốc tế Phú Quốc. Việc mua bán này thật sự đã diễn ra như thế nào? Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đơn vị quản lý… nói gì về vấn đề này?
Tư nhân hóa sân bay tầm cỡ
Kiên Giang là tỉnh duy nhất trong cả nước có tới 2 sân bay: Sân bay nội địa Rạch
Giá và sân bay quốc tế Phú Quốc. Trong đó, sân bay trên đảo Phú Quốc được coi là
niềm tự hào của tỉnh Kiên Giang.
Sân bay quốc tế Phú Quốc do Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư với
tổng số vốn trên 3 ngàn tỷ đồng, được tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động
từ 15/12/2012. Sân bay rộng gần 1.000 ha này đạt tiêu chuẩn cấp 4E của tổ chức
hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Sân bay có đường cất hạ cánh rộng 45m, dài 3.000m, có thể tiếp nhận được máy bay Boeing 747-400 và tương đương hạ cất cánh. Dự án do Công ty tư vấn thiết kế CPG-PAE (Singapore- Hoa kỳ) thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại, đáp ứng phục vụ trên 2,65 triệu hành khách mỗi năm.
Du khách nước ngoài tại sân bay Phú Quốc. |
Cảng hàng không Phú Quốc đưa vào sử dụng đã “mở cửa bầu trời” kết nối Phú Quốc với các tỉnh thành trong nước, liên kết trong khu vực và trên toàn thế giới. Cảng hàng không Phú Quốc góp phần đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế hành chính, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc gia và quốc tế…
Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế cho biết, mỗi ngày có hàng chục chuyến bay trong nước và quốc tế hạ, cất cánh trên đảo Phú Quốc. Hiện đã có các chuyến bay thẳng từ Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Campuchia tới đảo.
Ngay cả định nghĩa thế nào là bán sân bay hay nhượng quyền khai thác sân bay cũng còn nhiều vấn đề bàn cãi. Giờ chưa phải là thời điểm để nói về vấn đề này. |
Năm 2014 đã có hơn một triệu hành khách đến Phú Quốc bằng đường hàng không.
Doanh thu không được tiết lộ, nhưng đây là con số khá hấp dẫn đối với nhà đầu
tư. Đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đang
ồ ạt nhảy vào đầu tư dịch vụ du lịch trên hòn đảo Ngọc.
Chính vì vậy, thông tin bầu Hiển mua đứt sân bay Phú Quốc đang làm nhiều người
quan tâm. Việc tư nhân hóa một sân bay tầm cỡ, có vị trí quan trọng như thế sẽ
tác động như thế nào đến kinh tế xã hội địa phương, đến an ninh quốc phòng? Ai
sẽ được hưởng lợi?
Tỉnh Kiên Giang chỉ mới nghe tin
Chiều 16/3, phóng viên đã trực tiếp gặp Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang
ông Lê Văn Thi để hỏi thông tin xung quanh việc bầu Hiển đề nghị được mua lại
sân bay quốc tế Phú Quốc.
Ông Thi nói thẳng rằng: “Tỉnh chưa hề biết gì về mua
bán sân bay. Chưa có một văn bản nào từ cấp trên hay nhà đầu tư gởi cho tỉnh.
Tập đoàn T&T cũng chưa có buổi làm việc nào với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang để nói
chuyện về đầu tư vào sân bay Phú Quốc. Hơn nữa cái này thuộc Bộ GTVT, mà mình bộ
này cũng không quyết được. Phải xin ý kiến Thủ tướng. Tôi cũng chỉ mới nghe
thông tin qua báo chí”.
Về quan điểm của tỉnh như thế nào nếu sân bay Phú Quốc giao cho tư nhân quản lý?
Ông Thi cho rằng: “Đây là việc lớn không bàn luận với tư cách là cá nhân. Tuy
nhiên, tôi nghĩ nếu có mua thì mua quyền khai thác thôi chứ không ai đi bán cả
cái sân bay, vì liên quan đến an ninh và nhiều vấn đề khác”.
Trao đổi qua điện thoại xung quanh vấn đề nêu trên, ông Đào Việt Dũng - Giám đốc
Sân bay quốc tế Phú Quốc nói: Cái này T&T chỉ mới làm việc với Bộ GTVT để đề
xuất phương án.
Việc bán sân bay nó nhiều thứ lắm. Ngay cả định nghĩa thế nào là
bán sân bay hay nhượng quyền khai thác sân bay cũng còn nhiều vấn đề bàn cãi.
Giờ chưa phải là thời điểm để nói về vấn đề này. Khi nào việc mua bán hay nhượng
quyền chính thức được thực hiện, chúng tôi sẽ có cuộc họp báo công bố rộng rãi
cho báo chí…
Trong khi đó, thạc sỹ kinh tế, ông Trần Đạt Duy (Việt kiều Úc) cho rằng, việc tư
nhân quản lý sân bay ở nước ngoài họ đã làm từ lâu và họ làm rất tốt. Nhà nước
không nên “ôm” sân bay làm gì.
Ở đây, các bạn phải hiểu là giao quyền khai thác
nhà ga sân bay cho tư nhân quản lý, chứ không phải bán sân bay. Hiểu đơn giản
như giao quyền thu phí một con đường (trạm thu phí) cho tư nhân chứ không phải
là bán cả con đường.
Ở sân bay thì tư nhân có quyền thu phí đậu đỗ, hưởng phần trăm trên số vé bán
ra, khai thác các dịch vụ mặt đất như bán hàng, quảng cáo ở khu vực nhà ga…
“Theo tôi, việc tư nhân hóa các sân bay cần phải được đấu thầu công khai và phải ưu tiên cho người trong ngành có kinh nghiệm quản lý hàng không. Đối với các sân bay quốc tế thì phải tổ chức đấu thầu quốc tế. Phải minh bạch chứ không phải ai xin cũng cho. Việc chỉ định một “ông” kinh doanh bất động sản hay ngoài ngành nào đó vào quản lý hàng không thì cần phải cân nhắc”, ông Duy nói.
(Theo Tiền phong)