Một sự trùng hợp rất tình cờ, trong lúc bóng đá nội đang chao đảo với cơn bão tiêu cực cá độ của các cầu thủ V.Ninh Bình thì cũng là lúc cựu Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là “bầu Kiên” bị đem ra xét xử trong một đại án về kinh tế.

Chính bầu Kiên cách đây hơn 2 năm đã nổ phát pháo đầu tiên và trở thành người tiên phong trong câu chuyện chống tiêu cực trong bóng đá. Bầu Kiên hầu tòa và “di sản” mà ông bầu này để lại cho bóng đá là hai đội bóng đã ngừng hoạt động và V.League vẫn ngổn ngang bởi tiêu cực.

Ám ảnh bóng ma… Phantom

Nhìn bầu Kiên trước vành móng ngựa, tóc bạc trắng, người nhỏ thó gày gò, vận quần áo giản dị và đi đôi dép tổ ong rẻ tiền, ít ai có thể ngờ con người này đã từng là một quyền lực trong bóng đá Việt, từng sở hữu một trong những siêu xe Bentley đầu tiên tại Hà Nội.

Và cũng trong thời gian ngắn trước khi bị bắt khoảng 1 tháng, ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã bệ vệ bước xuống từ chiếc Rolls- Royce Phatom Rồng phiên bản riêng cho năm Rồng (năm tuổi của bầu Kiên) có giá triệu USD.

{keywords}
Dép tổ ong nổi tiếng của Bầu Kiên

Nhắc đến chiếc xe Phantom Rồng của bầu Kiên, nhiều người cảm thấy ngưỡng mộ. Một dịp, không thấy ông Kiên cưỡi chiếc Bentley biển “thửa” 5888 đến sân Hà Nội, thay vào đó là con Phatom Rồng đen trũi, lừng lững đậu oai vệ phía cửa sân Hàng Đẫy - đối diện báo

Thể thao ngày nay. Điều hơi lạ là cả hai chiếc xe lừng lẫy của bầu Kiên đều đeo biển TPHCM và giống nhau ở đuôi 88.Lan man quanh chiếc xe này một chút, nhiều người cho rằng doanh nhân tuổi rồng thì thích đi xe… rồng. Trong làng bóng đá có hai ông bầu tuổi rồng nổi tiếng là bầu Kiên (sinh năm 1964 - Giáp Thìn) và bầu Thụy (sinh năm 1976 - Bính Thìn) đều chơi Phantom Rồng.

Song, rồng chẳng thấy bay lên mà toàn… lộn đầu xuống đất. Bầu Kiên thì bị bắt, bầu Thụy thì bỏ của chạy lấy thân vào cuối mùa bóng 2013, khi đội Ximăng Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải thì bầu Thụy cũng “từ biệt” bóng đá luôn. Người ta nói, xe thì xịn nhưng chữ Phantom (trong tiếng Anh là... bóng ma) nên rất... ám.

Chiếc xe Phantom Rồng và chiếc... dép tổ ong màu trắng ngà mà bầu Kiên đi khi ra tòa đúng là hai hình ảnh trái ngược của một đời người. Khi ở đỉnh cao giàu có, lúc gần như chẳng còn gì…

Giấc mơ Super Liga dang dở

Trong bóng đá, những đội bóng của bầu Kiên không thuộc dạng “có số má” ở V.League, năm nào cũng rập rình xuống hạng. Nhưng cái giỏi của bầu Kiên là chọn đúng thời điểm để “tách- nhập” chuyển phiên hiệu CLB.

Lễ tổng kết mùa giải 2011, bầu Kiên tới họp “lậu”, tức là không được mời. Thế nhưng chính bài phát biểu của ông bầu này trong lễ tổng kết đã trở thành một quả bom trong dư luận. Bầu Kiên nói đúng và nói trúng những vấn đề tiêu cực trong bóng đá nội: Từ chuyện bản quyền truyền hình V.League, vấn nạn trọng tài, sự lộng hành của các ông bầu, nạn mua bán điểm...

Thông minh, hoạt ngôn và lập luận gãy gọn, bầu Kiên thuyết phục toàn bộ những người điều hành bóng đá nước nhà. Nhiều người còn nhớ như in hình ảnh trong một cuộc họp về bóng đá mà bầu Kiên chủ trì. Phòng họp đột ngột mất điện chỉ còn lại duy nhất thứ ánh sáng từ chiếc iPad hắt thẳng vào khuôn mặt bầu Kiên tạo ra một hình ảnh vừa liêu trai, vừa đầy quyền lực.

{keywords}
Những giấc mơ dang dở về bóng đá.

Con người từng được cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tuyên bố: “Sẵn sàng nhường ghế Chủ tịch VFF cho anh Kiên” đang đứng trước vành móng ngựa, dù vẫn là những câu trả lời gãy gọn, thậm chí bị cho là “trống không” với chủ tọa phiên tòa, nhưng cái “uy” đã từng có và đã từng thể hiện trong môi trường bóng đá đã không còn…

Điều đáng ngạc nhiên là cuộc phỏng vấn cuối cùng trước khi bị bắt (ngày 20.8.2012) - cuộc phỏng vấn mà bầu Kiên dành cho các phóng viên thể, bầu Kiên thêm một lần khẳng định: “Không thể khoanh tay đứng nhìn những biểu hiện tiêu cực trong bóng đá. Cần phải có ban chuyên trách thẩm định và xử lý những trận đấu có biểu hiện tiêu cực”. Hơn một tiếng sau cuộc phỏng vấn ấy, bầu Kiên bị công an bắt tạm giam, khám xét nơi ở…

V.League hậu bầu Kiên là một cuộc tháo chạy của các ông bầu và những nhà bảo trợ. Hàng loạt đội bóng giải thể, từ CLB bóng đá Hà Nội của chính bầu Kiên, đến Navibank Sài Gòn, K.Khánh Hòa, K.Kiên Giang, SQC Bình Định, XMXT Sài Gòn. Hay những đội hạng nhất như Lâm Đồng, Vũng Tàu, Trẻ Đà Nẵng… cũng giải thể vì thiếu kinh phí.

Khi chưa bị bắt, bầu Kiên phản pháo VFF: “Các nhà điều hành thừa khả năng nhận biết ra các trận đấu có biểu hiện tiêu cực, vấn đề là có dám mở mắt nhìn thẳng và xử lý mạnh hay không. Các anh có biết vì sao tập đoàn Hòa Phát bỏ bóng đá không? Vì họ mất hết niềm tin, mất hết sự tin tưởng giải đấu. Nếu tất cả các doanh nghiệp cùng rút lui, các anh sẽ thi đấu với ai? Phải nói rằng tôi đã quá thất vọng về cách làm việc của VFF”.

Đúng như phát biểu “để đời” của bầu Kiên: “Bóng đá là một sân khấu mà người ta có xem được cả bốn mặt”- tiêu cực dù có khéo léo che dấu đến đâu rồi cuối cùng cũng bị phát lộ.

Vụ việc các cầu thủ V.Ninh Bình tham gia cá độ bị phát lộ chỉ là một phần tảng băng chìm V.League. Ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã nhanh chóng bỏ đội bóng bằng cách nghỉ chơi V.League và hôm qua, trong cuộc gặp của BTC giải V.League và lãnh đạo các đội bóng, nhiều ý kiến khẳng định là từ nay cho đến hết mùa giải 2014: “Không ai chắc chắn là sẽ không có thêm 2 hoặc 3 đội nữa sẽ bỏ giải”.

Bầu Kiên bị bắt trong một vụ việc không liên quan gì đến bóng đá nhưng ảnh hưởng của nó lên bóng đá quá lớn. Đó là vấn đề lòng tin bị mất mát khi ngọn cờ tiên phong chống tiêu cực trong bóng đá lại bị bắt và bị xét xử bởi tiêu cực trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Cách đây hơn 2 năm, khi bầu Kiên (cũng giữ vai trò PCT HĐQT VPF) bị bắt, lãnh đạo VPF khẳng định: “Không ảnh hưởng gì tới VPF cũng như bóng đá Việt Nam”. Sự thật không phải như vậy. Giấc mơ về một giải đấu Super Liga của bầu Kiên với những trận đấu sạch, những cầu thủ trung thực và bóng đá có thể tự kiếm tiền nuôi sống nó… vẫn cứ chỉ là giấc mơ dang dở.

Và người ta lại thấy trong bóng đá, bầu Kiên dự tính vẽ ra một “chiếc Phantom Rồng” bằng giấc mơ Super Liga nhưng cho đến giờ này, V.League đang rách như một… đôi dép tổ ong.

Chiếc xe Phantom Rồng và chiếc… dép tổ ong màu trắng ngà mà bầu Kiên đi khi ra tòa đúng là hai hình ảnh trái ngược của một đời người. Khi ở đỉnh cao giàu có, lúc gần như chẳng còn gì…

(Theo Laodong)