Bầu Thụy chi ngàn tỷ thâu tóm khách sạn Kim Liên nhưng trước khi được chứng kiến tham vọng trở thành hiện thực, vị đại gia này nhìn “hàng nóng” từ lãi cò con đến thua lỗ.
Chi tiền tỷ, ôm mộng lớn
Cuối năm 2015, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái 52% cổ phần, tương đương 112 tỷ đồng tại khách sạn Kim Liên. Thông tin này nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư và cả dư luận vì khách sạn Kim Liên là một trong những điểm đến khá nổi tiếng ở Hà Nội.
Đây là khách sạn có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, toạ lạc trên khu “đất vàng” rộng 3,5ha ở phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Khách sạn Kim Liên có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.
Rất nhanh chóng, hàng loạt đại gia đã bày tỏ nguyện vọng thâu tóm khách sạn Kim Liên. Hàng loạt đại gia ngàn tỷ có thể kể đến như công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng miền Trung (2.089 tỷ đồng), Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi (1.089 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Trường Thịnh (1.060 tỷ đồng).
Bầu Thụy (giữa) và ban lãnh đạo Khách sạn Kim Liên. |
Một số tên tuổi lớn tham gia đấu giá cũng được chú ý như Tổng công ty bảo hiểm Bưu điện (804 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (538 tỷ đồng), Tập đoàn Phú Mỹ (450 tỷ đồng),....
Trong đó, nổi bật nhất là Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE và Thaigroup của doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy). Tiền thân Thaigroup là CTCP Xuân Thành Group. Với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, Thaigroup được đánh giá cao nhất trong cuộc đua này.
Đúng như dự đoán, cuối cùng người chiến thắng là bầu Thụy. Ông bầu bạo chi này sẵn sàng bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần giá chào bán của SCIC để Thaigroup sở hữu 52,4% cổ phần tại khách sạn Kim Liên.
Trao đổi với Vnexpress, bầu Thụy cho biết việc đầu tư vào Khách sạn Kim Liên nằm trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn Thaigroup. Sau khi nhậm chức, ông sẽ tiếp tục củng cố về mặt nhân sự, cử thêm 2 thành viên tham gia vào Hội đồng quản trị Khách sạn Kim Liên, thay thế cho các thành viên do SCIC cử trước đây.
"Định hướng trong thời gian tới Khách sạn Kim Liên sẽ được phát triển thành một điểm nhấn của Hà Nội với tổ hợp khách sạn 4 và 5 sao thương hiệu quốc tế", Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy cho hay.
Từ lãi cò con đến thua lỗ
Tham vọng của bầu Thụy đã rõ. Tuy nhiên, trước khi biến tham vọng trở thàn hiện thực thì bầu Thụy vẫn còn nhiều việc phải làm khi khách sạn Kim Liên từ chuỗi ngày dài chỉ lãi cò con đã chuyển thành... thua lỗ trong năm 2015.
Năm 2014, lợi nhuận sau thuế 2014 của khách sạn Kim Liên chỉ đạt 13,49 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 14,48 tỷ đồng năm 2013. Doanh thu của công ty cũng đi xuống. Đây là những con số khá khiêm tốn so với công ty có tài sàn khủng như công ty cổ phần du lịch Kim Liên.
Thời điểm trận “quyết đấu” để giành khách sạn Kim Liên đang đến hồi căng thẳng, công ty cổ phần du lịch Kim Liên đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm với kết quả đi lùi. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của khách sạn Kim Liên chỉ đạt 1,03 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với con số 6,16 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.
Nhưng mức độ “xấu” của những con số không chỉ dừng lại ở đó. Mặc dù dự báo được 2015 sẽ là năm công ty cổ phần du lịch Kim Liên có kết quả kinh doanh kém hơn các năm trước nhưng những ai quan tâm đến thương vụ này cũng khó hình dung ra công ty cổ phần du lịch Kim Liên có thể thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán 2015 của công ty cổ phần du lịch Kim Liên, năm 2015, công ty thua lỗ 25,6 tỷ đồng. Lợi nhuận của 2 năm 2014 và 2013 cộng vào chỉ nhỉnh hơn một chút so với khoản thua lỗ này.
Khách sạn Kim Liên thua lỗ chủ yếu do công ty dành quá nhiều ngân sách cho hoạt động doanh nghiệp. Năm 2015, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến, đạt 60,34 tỷ đồng, tăng 38,2 tỷ đồng, tương ứng 172,54% so với 2014.
Chi phí quản lý doanh nghiệp quá cao, cao gần gấp đôi lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ nên hàng loạt chỉ tiêu lợi nhuận của khách sạn Kim Liên đều là những con số âm.
Một điểm đáng nói nữa là tổng tài sản của công ty cổ phần du lịch Kim Liên đang giảm mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng tài sản của công ty đạt 80,43 tỷ đồng, giảm 26,57 tỷ đồng, tương ứng 24,83% so với 2014.
Có thể thấy, mảnh đất vàng do công ty quản lý không được hạch toán vào tài sản vì đây là đất công ty đi thuê. Hiện tại, thời hạn cho thuê chỉ còn chưa tới 30 năm.
Theo VTC