Giấc mơ bay siêu thanh phi thường nhất là ý tưởng về chiếc phi cơ chở không quá 100 người có vận tốc lên tới 3500m/s - tức là gấp 10 lần tốc độ âm thanh hay vận tốc Mach 10. So với khoảng cách giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 1145,94km theo đường chim bay, nếu ý tưởng này thành hiện thực thì có thể di chuyển từ Bắc vào Nam trong thời gian khoảng 327 giây, tức là hơn 5 phút!.
Giấc mơ siêu thanh
Theo Bloomberg, hãng sản xuất máy bay phản lực siêu thanh Aerion, do tỷ phú Robert Bass đầu tư, đang nghiên cứu phát triển dòng máy bay dân dụng có khả năng vượt tốc độ âm thanh để ra mắt thị trường vào năm 2023.
Aerion cùng đối tác Airbus sẽ hợp tác phát triển dòng máy bay này. Theo đó, Airbus cung cấp nhiều thiết bị chính cho máy bay, Aerion sẽ lắp ráp. Về địa điểm sản xuất, Aerion cần khoảng 40 ha gần một sân bay của Mỹ, với đường băng dài ít nhất 2.700m. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ động thổ năm 2018. Aerion sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên năm 2021.
Máy bay siêu thanh mới sẽ có tên AS2. Nhóm sản xuất đã cho ra thiết kế sơ bộ, gồm nhiều bộ phận, như cánh, thân máy bay, hệ thống nhiên liệu làm từ sợi carbon.
Hình mẫu chiếc máy bay siêu thanh của Aerion |
Trên đất liền, máy bay này sẽ vận hành với tốc độ thấp hơn. Nhưng khi bay qua đại dương, nó có thể tăng tốc lên gấp 1,5 lần tốc độ âm thanh. Tại mực nước biển, tốc độ âm thanh có thể đạt 1.200 km mỗi giờ.
Các hãng sản xuất máy bay siêu thanh sau này đã kỳ vọng công nghệ mới với khung máy bay nhỏ hơn có thể hấp dẫn các khách hàng giàu có và những CEO bận rộn. Thị trường đã bị bỏ trống sau khi Concorde ngừng bay năm 2003.
Trở ngại lớn nhất với những chiếc máy bay này là giá vé cao, tốn nhiên liệu gấp đôi một chiếc máy bay cỡ lớn của Boeing và chỉ chở được một phần tư số hành khách. Chính vì thế, dòng máy bay này mới dùng trong quân sự.
Bên cạnh đó là ô nhiễm tiếng ồn khi bốn động cơ phản lực Rolls-Royce Olympus trên máy bay cùng hoạt động để tạo ra tốc độ siêu thanh.
Hồi tháng 7, công ty công nghệ hàng không Mỹ Spike Aerospace có trụ sở tại Boston cũng đã cập nhật những thiết kế của họ với mẫu máy bay phản lực siêu thanh S-512 ra mắt năm 2013 nhằm cạnh tranh với Airbus.
Tuy nhiên, giấc mơ bay siêu thanh phi thường nhất là của Charles Bombardier, một kỹ sữ hàng không Canada. Theo ý tưởng này, đây là chiếc phi cơ chở không quá 100 người có vận tốc lên tới 3500m/s - tức là gấp 10 lần tốc độ âm thanh hay vận tốc Mach 10.
So với khoảng cách giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 1145,94km theo đường chim bay, nếu ý tưởng này thành hiện thực thì chúng ta sẽ có thể di chuyển từ Bắc vào Nam trong thời gian khoảng 327 giây, tức là hơn 5 phút!
Đáng tiếc là ý tưởng này đã bị nhiều chuyên gia thiết kế máy bay khẳng định không thực hiện được với trình độ công nghệ hiện nay, mặc dù vậy nó vẫn nhận được nhiều sự tán dương vì tư tưởng táo bạo của mình.
Một thời huyền thoại Concorde
Cho tới giờ, chiếc máy bay dân dụng nhanh nhất thế giới là những mẫu Concorde đạt tốc độ Mach 2 cũng chỉ được sử dụng cho hành trình xuyên Đại Tây Dương, với thời gian bay khoảng ba giờ rưỡi.
Máy bay Concorde do 2 chế tạo máy bay Aerospatiale (Pháp) và British Aircraft Corporation (Anh) hợp tác phát triển, với chi phí vào khoảng 1,84 tỷ USD. Có 20 chiếc Concorde ra đời trong thế kỉ 20, nhưng chỉ 14 trong số đó được đưa vào vận hành.
Concorde sử dụng động cơ đốt hậu để đạt tốc độ siêu âm, lên tới 2.400 km/h (so với tốc độ chỉ dưới 1.000 km/h của máy bay hiện đại). Phần mũi của máy bay có thể cụp xuống và thay đổi góc độ tùy thuộc vào hoạt động cất cánh và hạ cánh.
Một máy bay Concorde đi qua tòa nhà quốc hội Anh |
Trong suốt 27 năm hoạt động, phi cơ này đã giữ vị trí máy bay thương mại siêu thanh được yêu thích nhất thế giới. Chiếc máy bay siêu thanh duy nhất được chế tạo nhằm cạnh tranh trực tiếp với Concorde là Tupolev Tu-144 của Liên Xô cũ.
Không có loại máy bay nào có nhiều cái nhất như Concorde: nhanh nhất, đẹp nhất và gây kinh sợ nhất cho hành khách. Đây là sản phẩm hoàn hảo nhất của sự tối giản thanh lịch và bộ máy có cánh của ngành hàng không. Chiếc Concorde đã lập được nhiều kỷ lục, gồm thời gian bay 2 giờ, 52 phút và 59 giây giữa New York và London, ngày 7/2/1996.
Khi ra đời năm 1976, máy bay siêu thanh Concorde được xem là máy bay chở khách bay nhanh nhất thế giới lúc bấy giờ. |
Tuy nhiên, sau sự cố thảm khốc ngày 25/7/2000 giết chết 100 hành khách và 9 phi hành đoàn, biểu tượng của ngành công nghiệp hàng không bắt đầu bị lung lay và đổ sập. Phi đội Concorde của Air France và Bristish Airway lâm vào tình cảnh bi đát và bị đình chỉ 3 năm sau đó, khi đội bay của Bristish Airway thực hiện chuyến bay cuối cùng ngày 26/11/2003.
British Airways hiện vẫn sở hữu 8 chiếc Concorde nằm rải rác trong các bảo tàng trên toàn cầu, từ Barbados tới Manchester.
Không ít người đam mê công nghệ và tốc độ tiếc cho Concorde, biểu tượng được tôn thờ và là kim chỉ nam cho giấc mơ bay siêu âm chưa đến hồi kết. Giấc mơ bay nhanh vẫn được nhiều nhà sản xuất ấp ủ và nghiên cứu thực hiện.
Các nhà sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing, Lockheed Martin và Aerion vẫn miệt mài bên những thiết kế máy bay phản lực chở khách và tham vọng đưa chúng vào vận hành trong năm 2020.
Nam Hải