- Khi tiền mặt trong nước đang lẩn tránh các dự án bất động sản (BĐS) thì nay các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này đang hi vọng vào nguồn kiều hối sẽ là nguồn cứu trợ trong lúc khủng hoảng. Việc đón đầu dòng tiền này đã được cá nhà đầu tư trong nước chuẩn bị khá kỹ và liên tiếp mở bán và trang hoàng các dự án của mình.
Trông đợi kiều hối
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM,
doanh số chi trả kiều hối qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng
11/2012 ước đạt hơn 3 tỷ USD. Dự kiến, cả năm 2012, kiều hối về Việt Nam qua các
ngân hàng trên địa bàn TP.HCM ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm
2011. Ngoài ra, tỷ giá ổn định cũng góp phần thu hút kiều hối gia tăng, nhất là
các khách hàng nhận kiều hối bằng VND tăng đến 400%.
Với lượng kiều hối đổ về trong nước ngày một tăng chính là điểm tựa để các chủ
đầu tư cũng đưa ra những chiến lược để thu hút dòng tiền này vào các dự án của
mình. Động thái cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam chưa chính thức
được thông qua. Tuy nhiên những kiến nghị đã được các DN trong nước liên tục đưa
lên cá bộ ban ngành liên quan để xem đó như là một trong những phương án tháo gỡ
khó khăn. Đồng thời đây cũng là cách để ra hiệu, khuyến khích, những người sở
hữu kiều hối tham gia thị trường.
Trong vòng một tháng qua hàng loạt công ty bất động sản nội đã bắt đầu “show
diễn” của mình bằng những dự án mới, hay trang hoàng lại những dự án cũ. Hàng
loạt dự án lớn nhỏ, đầy đủ các phân khúc thị trường từ căn hộ cho đến đất nền,
từ cao cấp đến bình dân, từ địa bàn TPHCM cho đến các tỉnh lân cận như Long An,
Đồng Nai… đã được mở bán để đón lượng khách cuối cùng của năm.
Trong khi đó, khảo sát thực tế cho thấy nhu cầu tìm hiểu mua nhà của người Việt
ở nước ngoài rất nhiều. Cách đây chưa lâu một trong số những dự án căn hộ cao
cấp tại TP.HCM có lượng Việt Kiều sinh sống khá nhiều vào dịp cuối năm là SaiGon
Pearl do tập đoàn SSG làm chủ đầu tư. Mới đây chủ đầu tư này cũng đã giới thiệu
nhà mẫu của dự án Thảo Điền Pearl ngay trong tháng 12 này. Đây có thể cũng có
thể là mục đích tận dụng nguồn kiều hối cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Đồi, Phó Giám đốc điều hành công ty CP địa ốc và xây dựng SSG 2 cho biết: “Việc giới thiệu nhà mẫu của Thảo Điền Pearl trong thời điểm hiện tại cũng là cách để thu hút dòng kiều hối đang dồn về trong nước ngày một nhiều. Đây cũng chính là cách khai thác khách hàng tiếp sau sự thành công của Saigon Pearl. Hiện nay 30% khách hàng của dự án này là Việt kiều, mặc dù không quá tập trung vào đối tượng nào mua nhà nhưng cũng cần phải tận dụng những cơ hội”.
Cơ hội đầu tư củ Việt kiều
Dù chưa có chính sách nhằm định hướng dòng tiền kiều hối, nhưng với 11 tỷ USD sẽ là một trợ lực hữu hiệu cho thị trường bất động sản lúc này, khi mà hầu hết các chủ đầu tư đều đang gặp khó khăn và các dự án bất động sản Việt nam đang trong tình cảnh khát vốn. Hầu hết các dự án trong phân khúc cao cấp đều bất động trong cả năm vừa qua thì vào dịp cuối năm cũng bắt đầu “trở mình” để cố gắng hấp thụ lượng kiều hối chảy về ngày một nhiều.
Chẳng hạn như dự án Ngọc Bích Residence ở Đồng Nai với hơn 300 nền nhà phố và gần 60 căn biệt thự mà công ty Kim Oanh vừa triển khai vào cuối tuần trước. Sau đó 1 ngày, công ty Hưng Thịnh cũng mở bán 300 nền đất tại dự án khu dân cư tại thành phố Tân An, Long An. Tập đoàn C.T Group cũng mở bán đợt 4 dự án căn hộ cao cấp Léman C.T Plaza (quận 3, TPHCM)…
Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh thì các công ty bất động sản khởi động vào thời điểm này không chỉ nhắm vào nhu cầu an cư của người dân mà còn để ý đến nguồn kiều hối đổ về nước thời điểm cuối năm. Theo ông thì đây là nguồn vốn rất lớn, nếu có phương án tốt thì doanh nghiệp bất động sản có thể bán được hàng, thu hút vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Rất nhiều Việt kiều cũng có ý định trực tiếp mua nhà ở trong nước.Không dừng lại ở đầu tư hay sở hữu căn hộ, năm 2011, căn hộ dịch vụ cũng thu được lượng ngoại tệ không nhỏ từ khách hàng Việt kiều. Một đại diện của Cushman & Wakefield tại Việt Nam cho biết, trước đây, căn hộ dịch vụ chủ yếu chỉ nhắm vào khách nước ngoài đến du lịch và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2012 có hơn 50% khách thuê căn hộ dịch vụ là Việt kiều quay về làm ăn tại Việt Nam. Con số này cho thấy những tín hiệu rất khả quan về tiềm năng của nguồn khách Việt kiều trong phân khúc này.
Mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là thời điểm người dân nên dồn tiền mua nhà, ở mức giá hiện tại thì cũng không phải là quá khó để sở hữu căn hộ. Việc ngần ngại có thể sẽ bị chèn ép bởi lượng kiều hối đổ vào trong nước ngày một lớn với mong muốn sở hữu nhà thông qua người thân. Khi đó mức giá có thể sẽ khó có thể vừa ý với người có nhu cầu trong nước.
Theo tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, môi trường kinh tế quốc tế đang trở nên nhiều sóng gió hơn, tốc độ tăng trưởng đã thấp hơn dự báo. Điều đó việc chuyển vốn về đầu tư trong nước hoặc ý định an cư để hồi hương là xu thế đang dần hình thành. Như vậy cơ hội để đón dòng tiền từ lực lượng này không phải là ít đối với các doanh nghiệp BĐS. Thêm vào đó các doanh nghiệp địa ốc phía Nam cũng cần tin tưởng vào nguồn vốn này vì đây là thông lệ bất biến nhiều năm nay.
Nam Phong