Marc Bushelle – một nhiếp ảnh gia người Mỹ có cách dạy lịch sử cho cô con gái vô cùng sáng tạo. Lily, 5 tuổi được học về các nữ anh hùng bằng cách hóa thân vào chính nhân vật đó.
Anh Bushelle cho biết trong chủ đề này, anh không chỉ chọn các nhân vật quen thuộc mà còn chọn ra những phụ nữ ít được biết đến nhờ sự tiên phong của họ trong một lĩnh vực nào đó.
“Tôi muốn Lily có thể đồng cảm với họ. Điều này giúp xây dựng ý thức về giá trị bản thân của con bé. Tôi muốn con gái nhìn nhận bản thân là một nữ anh hùng trong tương lai” – ông bố này chia sẻ.
Lily và Mae Jemison
Tiến sĩ Mae Jemison là phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên được nhận vào chương trình đào tạo phi hành gia của NASA. Bà cũng là người đầu tiên bay vào không gian năm 1992 trên tàu con thoi Endeavor. Bà từng là tình nguyện viên cho Peace Corp và cũng từng là một bác sĩ.
Nữ phi hành gia Sally Ride chính là động lực để bà thay đổi sự nghiệp của mình. Jemison từng nói: “Đừng bao giờ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng hạn chế của người khác” và bà đã thực hiện được mơ ước vươn tới các vì sao.
Lily và Mẹ Teresa
Sinh ra ở Macedonia, Mẹ Teresa trở thành nữ tu ở tuổi 18. Khi đang làm công việc của một nữ tu ở Ấn Độ, bà được thôi thúc rằng cần phải sống giữa những số phận nghèo khó và lập ra dòng tu riêng là Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta. Bà luôn đội một chiếc sari màu xanh trắng và dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ người nghèo và bệnh tật.
Bà nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 nhờ những cống hiến của mình. Khi được hỏi mỗi người có thể làm gì để thúc đẩy hòa bình thế giới, bà đã trả lời: “Hãy về nhà và yêu thương gia đình mình”.
Lily và Malala
Malala đã chứng minh rằng để làm nên lịch sử không cần phải đợi tuổi. Malala Yousafzai sinh năm 1997 ở Pakistan. Khi phiến quân Taliban giành quyền kiểm soát khu vực cô sinh sống, chúng cấm các bé gái đến trường. Malala được sinh ra trong một gia đình đề cao giá trị của giáo dục, vì thế cô bé đã sử dụng tiếng nói của mình để đấu tranh.
Malala lên tiếng chống lại Taliban một cách công khai và thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới. Một ngày, Taliban tìm đến cô bé. Chúng tấn công chiếc xe buýt đang đưa học sinh tới trường và hỏi: “Ai là Malala?” Khi cô tự nhận, một tên đã bắn 3 phát súng vào đầu cô nhưng Malala vẫn sống.
Cô bé được trực thăng đưa ra khỏi Pakistan và điều trị ở Anh. Vào sinh nhật lần thứ 16, cô đề nghị Liên Hiệp Quốc cần phải giúp đỡ để tất cả trẻ em trên thế giới được đi học. Ngày sinh của cô 14/7 được gọi là Ngày Malala và trở thành ngày kêu gọi hành động vì giáo dục cho các bé gái. Malala trở thành người trẻ nhất nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm 2014.
Lily và Grace Jones
Grace Jones sinh ra ở Jamaica nhưng cùng gia đình chuyển tới New York năm 12 tuổi. Sinh ra trong một gia đình tôn giáo rất nghiêm khắc, Jones nổi loạn và trở thành một người mẫu, nhạc sĩ. Nét đẹp lưỡng tính, đôi gò má cao và sự can đảm của cô dễ thu hút sự chú ý khi cô nhảy trong câu lạc bộ đêm huyền thoại Studio 54 và biểu diễn trên các sàn catwalk của New York và Paris.
Cô truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế như Helmut Lang, các nghệ sĩ như Andy Warhol và Keith Haring. Grace Jones thường được xem là nguồn cảm hứng trong nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ
Lily và Michelle J. Howard
Ngày 1/7/2014, Michelle J. Howard làm nên lịch sử khi là người phụ nữ đầu tiên trở thành đô đốc 4 sao của Hải quân Mỹ và trở thành người phụ nữ da đen giữ chức vụ cao nhất trong quân đội. Bà từng được nói đến trong bộ phim “Thuyền trưởng Phillips” vì bà chính là người có công trong việc giải cứu thuyền trưởng Phillips ngoài đời thực thoát khỏi tay cướp biển Somali.
Bà Howard lớn lên trong gia đình nhà binh ở Aurora, Colorado. Năm 1982, bà tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ và nhận bằng Thạc sĩ từ Trường Command and General Staff College của quân đội vào năm 1998. Đây không phải là lần đầu tiên bà phá vỡ kỷ lục. Khi nắm quyền chỉ huy chiến hạm Mỹ USS Rushmore vào năm 1999, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên làm điều này.
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, bà nói rằng việc chỉ huy một con tàu lớn “rất vui”.
Lily và Toni Morrison
Morrison là người phụ nữ da đen đầu tiên nhận giải Nobel Văn học nhờ tiểu thuyết Beloved. Bà tốt nghiệp ĐH Howard và lấy bằng thạc sĩ ở Cornell. Bà từng dẫn dắt các nhà văn trẻ khác với tư cách giáo sư tại Howard và Princeton.
Năm 2012, bà nhận Huân chương Tự do của Tổng thống Barack Obama.
Lily và Misty Copeland
Misty Copeland là một nghệ sĩ solo tại Nhà hát Ba-lê Mỹ. Cô bắt đầu học nhảy năm 13 tuổi – một độ tuổi được coi là đã muộn trong môn nghệ thuật này, nhưng cô là một thần đồng thực sự.
Từ không biết gì, Copeland thực hiện được kỹ thuật pointe trong vòng 3 tháng. Bỏ ngoài tai những nhận xét cho rằng cô có hình thể không phù hợp để trở thành một nghệ sĩ múa ba lê, cô tập trung vào luyện tập kỹ thuật. Sự chăm chỉ và tài năng thiên bẩm đã giúp cô xóa tan mọi kỳ thị.
Cô là nghệ sĩ ba lê da đen đầu tiên diễn vở “Chim lửa” cho một công ty lớn. Đó là vai diễn để lại dấu ấn và làm nên tên tuổi cô. Trả lời phỏng vấn Washington Post, cô nói: “Bạn muốn được chấp nhận, bạn không cần phải trông giống như những người xung quanh mình, bạn không cần phải đi theo con đường mà người ta đã đi”.
Lily và Bessie Coleman
Bessie Coleman là người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận bằng chứng nhận phi công quốc tế và là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên lái một chiếc máy bay ở Mỹ. Không thể trở thành phi công ở Mỹ, bà đã học tiếng Pháp và tới châu Âu. Khi trở về Mỹ, bà đã trở thành một hiện tượng nhờ khả năng bay lượn sóng.
Lily và Josephine Baker
Từ khi còn nhỏ, Baker đã bị ảnh hưởng nhiều bởi các cuộc bạo loạn chủng tộc mà cô chứng kiến ở quê nhà. Khả năng ca hát và nhảy đã giúp cô gia nhập một đoàn tạp kỹ và đưa Baker tới New York. Nhận thấy những hạn chế khi ở New York, cô tới Paris và trở thành ngôi sao của chương trình La Revue Negre.
Tuy nhiên, khi tiếng tăm của cô vang khắp nước Pháp và châu Âu, cô vẫn cảm thấy băn khoăn về số phận của người da đen ở Mỹ. Cô đã dùng danh tiếng của mình để yêu cầu các địa điểm ở Mỹ mà cô tới biểu diễn không phân biệt chủng tộc. Baker là một trong số ít phụ nữ được phát biểu ở Washington cùng Martin Luther King vào tháng 3 năm 1963.
Không chỉ thế, là một điệp viên trong Thế chiến thứ 2, cô trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên được trao tặng huân chương quân sự hàng đầu của Pháp.
- Nguyễn Thảo (Theo Bored Panda)