Dù cuộc sống hiện tại đã ổn định nhưng Lôi Hải Phong (Giang Tây, Trung Quốc) vẫn thường cố gắng ghép lại diện mạo quê hương qua những mảnh ký ức rời rạc. 

Đứa trẻ bị bỏ lại trên phố

Lôi Hải Phong bị bệnh bại liệt. Cô nhớ rằng mình luôn bị sốt khi còn nhỏ. Khi cô khoảng 10 tuổi, mẹ đã cõng cô ra khỏi vùng thôn quê và đưa cô đi tàu suốt ngày đêm, đến một thành phố.

Hôm đó, đang đứng ở lề đường, đối diện với đám đông náo nhiệt, mẹ yêu cầu Hải Phong đứng tại chỗ đợi mẹ nhưng sau đó, bà đi khỏi tầm mắt của Hải Phong và không bao giờ quay trở lại.

Lôi Hải Phong chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi như vậy. Cô đứng một mình rất lâu. Rất nhiều người qua lại, hỏi cô tên gì, nhà ở đâu. Có người còn mang đồ ăn đến cho cô.

Một người còn dẫn cô về nhà của mình, nhưng sau khi phát hiện cô bị khuyết tật ở bàn chân phải, họ đã mang cô trở lại đường phố. Đêm đó, một mình Hải Phong đứng ngoài đường nhìn dòng người đi qua mà khiếp sợ, khóc thét.

Ngày 2/9/1992, Hải Phong được đưa đến cô nhi viện ở thành phố Tân Ngư, tỉnh Giang Tây. Vì lớn hơn những đứa trẻ khác và đã biết chữ nên Hải Phong được cô nhi viện cho đi học tiếp.

Năm 2004, Hải Phong được nhận vào một trường trung cấp để theo học ngành y tá. Ba năm sau, cô tốt nghiệp và trở về làm việc trong cô nhi viện. Năm 2009, Hải Phong gặp được nửa kia của đời mình và kết hôn vào cuối năm đó.

Sau khi kết hôn, với sự ủng hộ của chồng, Lôi Hải Phong học lên đại học ngành văn thư. Bây giờ, cô khoảng 39 tuổi và là mẹ của hai đứa con. Cô thường dạy nghề thủ công và các bài học cuộc sống cho trẻ em trong trại trẻ mồ côi.

{keywords}
Lôi Hải Phong của hiện tại và khi còn nhỏ

Ký ức tuổi thơ

Vì hồi nhỏ thường xuyên bị sốt nên trí nhớ của Hải Phong rất kém. Cô chỉ nhớ, quê của mình ở một xóm núi nhỏ, nhà nào cũng trồng cây lá thuốc và lúa. Trong làng mọi người thường ăn hạt dẻ, quả hồng. Đầu làng của cô có một cái giếng, nơi mọi người giặt quần áo. Hải Phong đã từng ngã xuống giếng một lần, nhưng may mắn có người ở giếng vào thời điểm đó nên cô được cứu sống.

Khi còn nhỏ, Hải Phong sống với hai người già, có lẽ là ông bà nội. Ban ngày, 2 ông bà đi làm đất để trồng hoặc thu hoạch lạc và họ thường dẫn cô đi theo.

Hải Phong hiếm khi gặp bố, mẹ. Trong ký ức của mình, cô nhớ chỉ gặp bố 1 lần. Khi đó, bố mua cho cô một đôi giày nhưng đôi giày đã bị ném đi khi mẹ phát hiện ra. Hải Phong cũng nhớ, gia đình cô rất nghèo. “Khi tôi bị ốm, dân làng đã cho bà tôi ít tiền để bà đưa tôi đi chữa bệnh”.

Chồng khuyến khích vợ tìm về cội nguồn

Gần đây, Lôi Hải Phong quyết định tìm lại gia đình vì sự động viên của chồng. "Anh ấy thường nói với tôi: Mọi người luôn cần biết nguồn gốc của họ ở đâu”.

Theo truyền thống của cô nhi viện, tất cả những đứa trẻ được gửi đến đều mang họ Dư, nhưng cô nhớ tên ban đầu của mình là Lôi Hải Phong. Cô vẫn nhớ rằng mẹ cô tên là Lôi Tiểu Lan.

Ngày 11/11, Lôi Hải Phong đăng một bài viết lên mạng xã hội về việc tìm kiếm người thân. Bài viết có đầy đủ thông tin cô nhớ được về gia đình và những bức ảnh thời thơ ấu.

Nếu may mắn tìm được gia đình, Hải Phong nói, cô muốn gặp ông bà nội của mình nhất. “Nếu ông bà còn sống, chắc bây giờ đã ngoài 90 tuổi. Tôi muốn nói với ông bà rằng, tôi đã có gia đình và một công việc ổn định. Tôi sẽ đưa ông bà về chăm sóc. Nếu ông bà không còn trên cõi đời, ít nhất tôi sẽ đến và quỳ lạy trước phần mộ của họ”.

“Mẹ bây giờ có lẽ đã có một cuộc sống riêng. Vì vậy, nếu việc tìm kiếm thành công, tôi chỉ muốn hỏi mẹ về ngày sinh của mình. Nếu ông bà đã mất, tôi muốn hỏi mẹ về ngày mất của ông bà để cúng giỗ cho ông bà. Bây giờ cuộc sống của tôi rất tốt và tôi không muốn làm phiền cuộc sống của mẹ”, Hải Phong nói.

Linh Giang (Theo 163)

Em bật khóc tìm được chị gái bị bán đi Trung Quốc 30 năm trước

Em bật khóc tìm được chị gái bị bán đi Trung Quốc 30 năm trước

Cuộc gặp gỡ đầu tiên sau 30 năm xa cách của họ được thực hiện qua video nhưng liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng nức nở.