PGS.TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật, cắt bỏ khối u xơ vòm mũi họng khổng lồ cho bé B.H.T. (13 tuổi, ngụ Tây Ninh).

Nhiều lần hội chẩn, 3 lần sinh thiết

Trước đó, ngày 8/7, bé T. được gia đình đưa tới khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng khó thở, phải thở há miệng, chảy máu mũi do biến dạng xương hàm mặt, vùng hàm mặt phải sưng to, suy dinh dưỡng, chỉ nặng 26 kg.

{keywords}

Bé T. với khối u gây biến dạng má phải trước khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Sau khi nhập viện, bé T. được các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm nội soi phát hiện khối u đã bị hoại tử, bịt kín vùng vòm mũi sau hai bên và thòng xuống hầu họng bên phải, đẩy lệch biến dạng xương hốc mắt, gò má phải.

Bác sĩ Trường cho biết, khối u xơ vùng hầu họng lớn như trường hợp bé T. chưa từng ghi nhận trong y văn tại Việt Nam.

“Đây là lần đầu tiên tôi gặp một trường hợp như vậy trong nhiều năm làm nghề. Các triệu chứng, sự xâm lấn và kích thước khối u khiến bác sĩ không nghĩ bé T. bị u xơ vòm mũi họng. Vì vậy, ê-kíp quyết định lấy mẫu sinh thiết”, bác sĩ Trường nói.

Sau sinh thiết, bé T. được chẩn đoán bị mô sợi mỡ viêm mạn tính. Bác sĩ nhận định, nếu không phẫu thuật, khối u sẽ xâm lấn lên não, phá sàn sọ bên, gây rách não màng tủy, rách mạch máu, nguy cơ tử vong cao.

Để đi đến quyết định phẫu thuật cho bé T., các bác sĩ phải qua 3 lần sinh thiết và nhiều lần hội chẩn mới kết luận được chính xác đó là u xơ vòm mũi họng.

Trước khi mổ, điều khó khăn nhất là khối u đã lan ra da, xâm lấn vùng mặt bên phải. Vì vậy, để xử lý khối u, các bác sĩ đã phải kết hợp nhiều chuyên khoa như: Tai mũi họng, Ngoại thần kinh, Gây mê hồi sức, Giải phẫu bệnh, Chẩn đoán hình ảnh…

TS.BS Trần Anh Bích - Phó khoa Tai Mũi Họng, cho biết, bệnh nhân có nguy cơ tử vong do chảy máu, u xơ đã lan ra vùng mặt bên phải, bám chặt các mạch máu lớn. Vì vậy, kíp phẫu thuật phải vừa mổ vừa cầm máu và truyền máu liên tục cho bé.

Theo bác sĩ Bích, trong lúc phẫu thuật, ê-kíp phải dừng lại để truyền máu, nâng huyết áp ổn định mới tiếp tục. Tổng cộng, bé T. được truyền 26 đơn vị máu trong và sau khi mổ. 

Các bác sĩ đã kết hợp mổ hở đường ngoài và nội soi mũi xoang giúp cầm máu an toàn cho bệnh nhi. Sau nhiều giờ phẫu thuật căng thẳng, bé T. đã được các bác sĩ xử lý cắt lọc khối u với trọng lượng 205g. Đây là khối u to nhất từ trước đến nay được xử lý tại bệnh viện. 

Hiện sau phẫu thuật, bé T. ăn uống bình thường, thở tốt. Bé sẽ không bị biến chứng về sau và có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, bé cần được thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. 

Hơn 4 năm chạy chữa mới ra bệnh

Theo anh B.H.D. (51 tuổi, ba bé T.), cách đây 4 năm, đột nhiên bé T. hay bị chảy máu cam, nghẹt mũi và sưng mặt nhẹ. Tuy nhiên, vì nghĩ bé bị đau răng nên bố tự mua thuốc cho con uống. Sau gần 2 tháng, tình trạng của bé không thuyên giảm mà mặt sưng ngày càng to hơn. 

 {keywords}

PGS.BS Trần Minh Trường thăm khám cho bé T. sau phẫu thuật. Ảnh: Liên Anh

“Thời điểm đó, tôi cho cháu đi thăm khám tại bệnh viện tỉnh nhưng bác sĩ không chẩn đoán được bệnh. Sau đó, tôi đưa bé lên TP.HCM chữa trị, đi nhiều bệnh viện nhưng cũng không tìm ra được nguyên do”, anh D. kể lại.

Đến năm 2018, anh D. tiếp tục hành trình tìm bệnh cho con. Bác sĩ chẩn đoán bé có khối u nhưng không thể mổ vì khối u toàn mạch máu lớn, chỉ còn cách sống chung với nó.

Bởi vậy, gia đình cũng chỉ biết cho con đi khám và theo dõi. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng, chảy máu cam nhiều. "Nhìn con đau đớn mà không có cách nào chữa trị, gia đình tôi gần như tuyệt vọng", anh D. nhớ lại.

“Trước khi phẫu thuật, bé phải nghỉ học thường xuyên một phần vì bệnh đau, một phần vì mặc cảm bởi gương mặt biến dạng do khối u. Giờ đây, bé tự tin hơn và không còn buồn như trước. Thời gian tới, bé sẽ trở lại trường học”, anh Dũng chia sẻ.

Theo PGS.BS Trần Minh Trường, bệnh u xơ vòm mũi họng chỉ xảy ra ở trẻ nam trong độ tuổi vị thành niên (13-17 tuổi). Bệnh xuất hiện với các triệu chứng cơ bản như nghẹt mũi, có u trong vòm mũi họng, thường xuyên chảy máu mũi.

Sau phẫu thuật, tỷ lệ tái phát của bệnh là 10-15% nhưng người bệnh cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.  

Bác sĩ Trường lưu ý, bệnh không có cách phòng ngừa. Vì vậy, khi có những triệu chứng như trên, bệnh nhân cần đi khám sớm khi u còn nhỏ thì việc xử lý sẽ dễ dàng bằng phương pháp nội soi, ít để lại biến chứng. Bởi theo thời gian, khối u to, xâm lấn các cơ quan sẽ khó phát hiện, khó khăn trong việc chẩn đoán.

Liên Anh

Căn bệnh lạ ở trẻ em liên quan tới virus nCoV

Căn bệnh lạ ở trẻ em liên quan tới virus nCoV

Trẻ nhỏ bị viêm nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn tới sốt, phát ban khắp người. Tỷ lệ lớn các bệnh nhi này có kết quả dương tính với nCoV.