Mẹ bệnh nhi Bùi Đình Nam, 7 tuổi ở Bắc Quang, Hà Giang cho biết, thời gian gần đây con trai thường xuyên bị táo bón, đi ngoài ra máu tươi. Nghĩ do khẩu phần ăn nên bố mẹ thay đổi bằng món ăn nhiều rau, nhiều đồ lỏng hơn.

Tuy nhiên 1 ngày trước khi đến BV đa khoa Hùng Vương thăm khám, bé ra máu tươi nhiều bất thường dù không bị táo bọn.

BS Hà Văn Tước, Phó trưởng khoa Cận lâm sàng – Thăm dò chức năng đã chỉ đạo nội soi đạ trực tràng gây mê cho bệnh nhi. Kết quả phát hiện tại đại tràng sigma có 1 polyp có cuống kích thước lớn 4 cm, trực tràng có 1 polyp kích thước 0,5cm không có cuống.

{keywords}
Khối polyp lớn chèn kín lòng đại tràng, là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón và đi ngoài ra máu


Kíp nội soi đã thắt cuống polyp lớn bằng endoloop và cắt polyp bằng thòng lọng nhiệt điện. Hiện tại, sức khoẻ bé đã ổn định, được theo dõi và điều trị tại khoa Nội – Nhi – Đông y của BV.

Theo BS Tước, nhiều người nghĩ trẻ nhỏ đi ngoài ra máu là do táo bón mà không biết có thể do các polyp ở đại trực tràng hoặc một số bệnh lý khác.

Thực tế, số trẻ đến viện khám vì các polyp này không phải hiếm gặp. Từ đầu năm 2019, tại BV đã tiến hành cắt polyp đại, trực tràng cho 4 bé.

Các polyp của đại tràng và trực tràng (đặc biệt là loại có cuống) dễ bị chảy máu khi phân đi qua. Vì thế, biểu hiện hay gặp ở nhiều trẻ là đi ngoài ra máu dù không bị táo bón. Nhiều trường hợp nội soi đại tràng phát hiện polyp lớn khiến trẻ hay bị chảy máu, thiếu máu.

BS Tước nhấn mạnh, polyp trực tràng ở trẻ nhỏ không phải là hiếm gặp và cần được phát hiện, điều trị sớm vì chúng có thể gây ra chảy máu, có thể phát triển lớn gây tắc ruột hoặc tiến triển thành ung thư.

TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, BV K cho biết thêm, trước đây ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi ngoài 50 nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hoá rất nhanh, khoa từng phẫu thuật cho bệnh nhân mới 10, 12 tuổi.

Trường hợp bé trai 10 tuổi được phẫu thuật năm 2018, vào viện cấp cứu do đau bụng, tắc ruột. Khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện có khối ung thư biểu mô tuyến ở đại tràng sigma. Khi mổ, kích cỡ khối u đã lên tới 6 cm, xâm lấn vào thành đại tràng, ở giai đoạn muộn T4B.

Do đó, khi thấy trẻ đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đặc biệt đại tiện ra máu, thay đổi phân, số lần đại tiện, đặc điểm phân không bình thường, cha mẹ nên đưa đi khám, cần thiết sẽ nội soi toàn bộ đại trực tràng để phát hiện sớm polyp.

Trường hợp mắc hội chứng đa polyp không được can thiệp thì có tới 50% sẽ chuyển thành ung thư trước năm 40 tuổi.

Thúy Hạnh

Báo động ung thư đại trực tràng trẻ hoá, 10 tuổi đã mắc giai đoạn cuối

Báo động ung thư đại trực tràng trẻ hoá, 10 tuổi đã mắc giai đoạn cuối

- Ung thư đại trực tràng thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi nhưng tại BV K đã phẫu thuật cho những bệnh nhân mới 10-12 tuổi.