BS CKI Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc TT Y tế huyện Đoan Hùng, Phú Thọ cho biết, bệnh nhi Vương Minh V., 11 tuổi, trú tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang được gia đình đưa đến viện ngày 28/9 do đau bụng nhiều vùng hố chậu phải. Cháu bé buồn nôn, nôn khan liên tục, thể trạng còi cọc suy dinh dưỡng.
Sau khi được các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hoá trực tiếp thăm khám và làm các chỉ định cận lâm sàng, kết quả chụp X-quang thấy nhiều hình cản quang dạng ống khu trú hố chậu phải và vùng bụng dưới, siêu âm thấy hình ảnh giun ký sinh trong các quai ruột. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị tắc ruột do búi giun, theo dõi viêm ruột thừa.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, BS Sơn cùng ekip đã lấy ra trong ruột bệnh nhi hơn 100 con giun.
Bác sĩ gắp búi giun hơn 100 con trong ruột bệnh nhi
Sau phẫu thuật, hiện bệnh nhi đã tỉnh táo và đang được theo dõi tại khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu.
BS Sơn khuyến cáo, để phòng tránh giun sán, người dân cần định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống bằng cách rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cắt móng tay, móng chân ngắn, sạch; Thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường xung quanh, không phóng uế bừa bãi...
Khi có nhiều giun tròn (giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim), người bệnh thường khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, hoặc nôn mửa. Nếu nhiễm một lượng lớn giun có thể gây nên nhiều biến chứng như tắc ruột, viêm tắc đường mật, loét tiêu hóa, viêm phúc mạc, viêm ruột thừa...
Trong một số trường hợp, ấu trùng của giun có thể gây các biến chứng viêm cơ, viêm phổi, viêm não gây tử vong.
Minh Anh
Tưởng bị táo bón, bác sĩ gắp ra từ ruột bé trai 4 tuổi cả chậu giun
Các bác sĩ đã tiết lộ những bức ảnh về một chậu giun đang bò lúc nhúc mà họ đã lấy ra khỏi cơ thể của một đứa trẻ 4 tuổi.