IPO của Becamex vào ngày 1/12 tới được dự kiến là "bom tấn" khi đơn vị chào bán hơn 311 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về gần 10.000 tỷ đồng nhưng cuối cùng các nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 6% khối lượng cổ phiếu chào bán.
IPO chỉ thu hút 6% khối lượng chào bán
Phiên bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV (Becamex) sẽ tổ chức vào ngày 1/12 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). IPO của Becamex có quy mô lớn nhất trong năm 2017 theo giá trị và lớn thứ 2 từ trước đến nay chỉ sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vào ngày 26/12/2007.
Biểu đồ: Phương án cổ phần hóa của Becamex. Sau khi đấu giá công khai, Becamex bán 0,37% cho người lao động và 25% cổ đông chiến lược. |
Có 311.207.100 cổ phần được Becamex chào bán công khai với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần. Các nhà đầu tư được mua tối thiểu 100 cổ phần, tối đa 311.207.100 cổ phần.
HOSE vừa công bố buổi chào bán cổ phần công khai của Becamex chỉ thu hút 158 nhà đầu tư (149 cá nhân và 9 tổ chức) đăng ký mua 18.952.500 cổ phiếu. Như vậy, lượng đăng ký mua chỉ bằng 6% khối lượng chào bán.
Dẫn đầu diện tích khu công nghiệp tại Việt Nam
Becamex là doanh nghiệp “con cưng” của tỉnh Bình Dương. Tổng công ty đang đầu tư rất nhiều lĩnh vực như: cấp thoát nước, khai thác và chế biến cao su, kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dược phẩm, y tế, giáo dục...
Tính đến thời điểm 30/11/2016, cả nước có 324 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 91.800 ha. Trong đó, tổng diện tích đất các khu công nghiệp của Becamex và các công ty thành viên chiếm đến 10.456 ha, tương đương 11,39% tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam.
Theo bản công bố thông tin, Becamex đang chiếm 11,4% thị phần khu công nghiệp trong cả nước, tương đương 10.456 ha. |
Hiện nay, Becamex đang sở hữu các khu công nghiệp như: VSIP, Mỹ Phước, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Thới Hòa, Bàu Bàng... Trong đó, nổi bật nhất là VSIP không chỉ phát triển tại Bình Dương mà còn mở rộng tại Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương và thu hút 660 dự án với tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD.
Con nợ lớn
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, Becamex có vốn chủ sở hữu đạt 13.049 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 57.246 tỷ đồng nhưng nợ tới 22.595 tỷ đồng gồm 7.474 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 15.122 tỷ đồng nợ dài hạn.
Cấu trúc nợ vay dài hạn của Becamex trải dài từ ngân hàng, các quỹ, trái phiếu thường. Trong đó đáng chú ý nhất là khoản trái phiếu thường lên tới 11.502 tỷ đồng với lãi suất trên 10,5-18%/năm nên áp lực về trái tức khoản 1.500 tỷ đồng/năm.
Doanh thu tăng trưởng đều nhưng lợi nhuận ở mức thấp và trồi sụt thất thường là một trong những nguyên nhân khiến IPO của Becamex ế ẩm. |
Để được vay số tiền 22.595 tỷ đồng kể trên, Becamex đã thếm chấp 5.493.972 m2 đất ở Bình Dương cho hơn 10 ngân hàng.
Tiềm năng lớn, nợ lớn, giá khởi điểm cao cùng hiệu quả kinh doanh kém nên IPO bom tấn của Becamex trở thành “bom xịt”.
(Theo Người tiêu dùng)