Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh đi qua 3 con sông lớn, bao gồm sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, tạo nên tuyến vành đai kinh tế ven biển quan trọng của tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 tại quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Tuyến đường ven biển này khi hình thành sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng liên vùng, tăng cường khả năng vận chuyển, lưu thông hàng hóa khu vực ven biển, mở ra khả năng hội nhập về kinh tế giữa các vùng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước.
Đến nay, hướng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh được xác định có tổng chiều dài tuyến khoảng 51,72 km2. Điểm đầu: Km0+000 (chiều dài đường dẫn cầu Cửa Đại, phía Tiền Giang dự kiến 2,2km); điểm cuối Km51+720 (chiều dài đường dẫn cầu Cổ Chiên 2, phía Trà Vinh dự kiến 1,5km).
Riêng chiều dài tuyến đường bộ ven biển trên địa phận tỉnh Bến Tre dài khoảng 44,03 km; trong đó, phần đường dài khoảng 40,43 km, phần cầu dài khoảng 3,6 km (không bao gồm đường dẫn cầu Cửa Đại phía Tiền Giang, cầu Cửa Đại, đường dẫn cầu Cổ Chiên 2 phía Trà Vinh, cầu Cổ Chiên 2).
Theo quy mô quy hoạch dự kiến, dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1, xây dựng đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới; dự kiến xây dựng 4 cầu vượt sông lớn gồm, cầu Cửa Đại, cầu Ba Lai 8, cầu Hàm Luông 2, cầu Cổ Chiên 2 (cầu Thạnh Phú) và một số cây cầu nhỏ. Giai đoạn 2, dự kiến nâng cấp, mở rộng tuyến dường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46m và trong đô thị với bề rộng nền dường 100m; bổ sung thêm 1 đơn nguyên cầu, bề rộng cầu B cầu = 21,5m.
Tại cuộc họp, Tổ giúp việc đề xuất Ban chỉ đạo xem xét, chấp thuận theo phương án 2 của dự án để đảm bảo được hiệu quả đầu tư của dự án. Khi đó, quy mô và dự kiến tổng mức đầu tư của Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh có tổng chiều dài tuyến khoảng 38 km (không bao gồm cầu Ba Lai 8 và khoảng 10 km đường), gồm phần đường dài khoảng 35km, cầu Hàm Luông 2 và các cầu nhỏ.
Dự kiến, tổng mức đầu tư hơn 7.315 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA là hơn 4.102 tỷ đồng (hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng) theo cơ cấu vốn ngân sách trung ương cấp phát 90% và địa phương vay lại 10%; vốn ngân sách tỉnh hơn 3.212 tỷ đồng (thực hiện giải phóng mặt bằng và các chi phí khác).
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh, việc thúc đẩy nhanh dự án tuyến đường ven biển nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh có ý nghĩa rất lớn. Hiện tại, quốc lộ 60 đang ách tắc ở cầu Rạch Miễu. Tới đây, cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh với Sóc Trăng được xây dựng sẽ gây áp lực lớn hơn cho quốc lộ 60. Tuyến đường ven biển có lợi ích chiến lược đối với Bến Tre giải quyết căn bản cho giao thông địa phương và các tỉnh khác trong khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu các ngành cần khẩn trương, nhanh và chốt lại nội dung về hướng tuyến, điểm đấu nối Tiền Giang và Trà Vinh làm cơ sở thực hiện dự án; ứng dụng công nghệ số trong việc định vị, cơ sở triển khai giải phóng mặt bằng.
Thống nhất phương thức đầu tư tổ hợp: đầu tư công, vay ODA, hợp tác công tư (PPP). Triển khai đồng bộ, đồng loạt để hoàn tất hồ sơ xây dựng cầu Ba Lai 8 và 10km đường bằng vốn đầu tư công của Trung ương.
Đề xuất cùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhất quán cơ chế vay vốn ODA sớm trình Chính phủ phê duyệt dự án vào tháng 6/2023 và phê duyệt chủ trương đầu tư chậm nhất tháng 12/2023.
Cửu Long