Đó là một trong những thời điểm mà, chỉ trong một hoặc hai giây, đã thay đổi lịch sử Mỹ: Ngày 20/1/1953, tại lễ nhậm chức của Tổng thống Dwight Eisenhower, Harry Truman chào đón Herbert Hoover trên bục diễn thuyết. "Tôi nghĩ rằng chúng ta phải tổ chức một câu lạc bộ các cựu tổng thống", Hoover đề xuất.
"Được", Truman trả lời. "Ông sẽ là chủ tịch câu lạc bộ, và tôi sẽ là thư ký".
Cựu Tổng thống Harry Truman (trái) và Herbert Hoover
Vào thời điểm đó, câu lạc bộ các Tổng thống chỉ là ý tưởng chứ chưa phải là một tổ chức. Một vài Tổng thống đương nhiệm đã bàn bạc với những người tiền nhiệm nhưng ngoài chuyện chia sẻ các câu chuyện về chiến tranh, có những giới hạn mà một cựu tổng thống có thể làm trừ khi nộp đơn ứng cử vào một nhiệm vụ mới, như thượng nghị sĩ (John Quincy Adams) hoặc chánh án tòa án tối cao (William Howard Taft).
Tuy nhiên, vào thời hậu chiến, câu lạc bộ các tổng thống đã trở thành một hội thực sự, một liên minh vĩnh cửu giữa những tổng thống đương nhiệm với những cựu Tổng thống. Câu lạc bộ là nơi các Tổng thống chia sẻ kinh nghiệm, những lỗi lầm mà họ đã tránh được và những cơ hội đã được nắm bắt. Các tổng thống có thể cùng nhau làm nhiều việc thay vì tách rời nhau. Và họ biết như vậy do đó họ đã liên kết với nhau khi cần thiết để bàn bạc, hội ý và bảo vệ.
Trong trường hợp của Hoover và Truman, họ còn làm được nhiều việc hơn.
Câu lạc bộ được thành lập vì hai người trên đã trở thành một trong những liên minh không được mong đợi nhất trong lịch sử Mỹ. Mùa xuân năm 1945, khi Truman mới làm Tổng thống được vài tuầ thì các báo bắt đầu cảnh báo về một thảm họa sắp xảy ra. "Vấn đề lương thực lớn lao nhất trong lịch sử" như tờ New York Times mô tả về nạn đói kém mà 100 triệu người dân châu Âu đang phải đối mặt, những người phải chịu nhiều đau khổ vì sống ở vùng chiến sự.
Biết được sẽ có nhiều phản đối ở Nhà Trắng, Truman đã bí mật viết thư cho Hoover, mời ông này quay lại Nhà Trắng lần đầu tiên kể từ khi Franklin Roosevelts nhậm chức 12 năm trước. Hai người đàn ông gặp nhau vào 28/5/1945, Hoover, một người được tôn sùng vì những hoạt động cứu trợ sau Thế chiến I, đã vạch ra cho Truman thấy sẽ làm những gì để lấy lương thực từ những nước đang có rồi chuyển cho những người cần, đây là một thách thức hậu cần to lớn.
Cựu Tổng thống Hoover, đảng Cộng hòa, đã rời cuộc họp với hoài nghi rằng liệu "kẻ tập sự" đảng Dân chủ Truman có làm việc gì quá quyết liệt khi kết nạp một kẻ thù chính trị vào sứ mệnh chung.
Tuy nhiên, Hoover đã nhầm. Trong năm tiếp theo, Truman đã ban hành luật hết đề xuất này của Hoover đến đề xuất khác và phái vị cựu Tổng thống 71 tuổi đi thực hiện sứ mệnh hàng chục nghìn cây số trên khắp thế giới. Với sự khuyến khích của Truman, Hoover đã đi gặp 7 vị vua, 36 Thủ tướng và Giáo hoàng. Ông này đã tổ chức 42 cuộc họp báo. Khi có mặt tại Cairo vào tháng 4/1946, Hoover và Truman đã cùng có một bài phát biểu trên sóng phát thanh, hô hào dân Mỹ tích trữ lương thực.
Và nỗ lực đã có tiến triển, vào cuối mùa hè năm đó, Truman có thể công bố rằng Mỹ đã chuyển 5,5 tấn ngũ cốc tới những vùng đang gặp thiệt hại ở châu Âu, và như vậy giữ được cam kết của quốc gia và đón đầu được khủng hoảng nhân đạo.
Vào thời điểm đó, Truman và Hoover đã cùng nhau chống lại những kẻ thù chung và tạo nên một thứ tương tự tình bạn. "Tôi biết, tôi có thể trông mong vào sự hợp tác của ông và nếu trong tương lai có bất cứ việc gì tôi có thể lại nhờ ông lần nữa". Và đúng như vậy. Truman đã tìm thấy ở Hoover một đồng minh đầy ngạc nhiên, người cam kết phục vụ cho đất nước và củng cố nhiệm kỳ Tổng thống của Truman. Hoover đã giúp Truman bán ý tưởng cứu trợ châu Âu cho Quốc hội đầy những đảng viên Cộng hòa hoài nghi.
Kết quả của sự hợp tác giữa Hoover và Truman là sự ra đời của Ủy ban Hoover do Quốc hội thiết lập, đã tạo ra những biến đổi lớn trong nhiệm kỳ Tổng thống trong lịch sử. Sự hợp tác tốt đẹp không ngờ giữa hai tổng thống trên đã tạo ra một dạng quyền lực mới và có lợi cho cả hai bên. Năm 1951, Truman và Hoover xếp thứ 3 và 5 trong danh sách Những người đàn ông được ngưỡng mộ nhất theo danh sách của Gallup.
Sau này, không phải tổng thống nào cũng sẵn sàng hợp tác nhưng rõ ràng là câu lạc bộ các tổng thống có chức năng như một công cụ của Tổng thống, nó có thể phục vụ cho Tổng thống, giúp giải quyết những vấn đề khó khăn.
- Lê Nguyễn (Theo Time)