CHDCND Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín và bí hiểm nhất trên hành tinh. Nhưng trong 18 tháng qua, hai phóng viên của BBC đã chứng kiến cuộc sống của người dân Triều Tiên khi họ vẫn đang tưởng niệm lãnh đạo vừa quá cố Kim Jong-il.

Người dân Triều Tiên chụp ảnh với các loại hoa mang tên hai vị lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Ảnh: potopedia
Người thông báo trên kênh truyền hình quốc gia đưa tin buồn đến với đất nước, cô mặc áo màu đen và cố kìm nén dòng nước mắt tuôn rơi.

Cô đã nói về vị lãnh đạo 69 tuổi của đất nước vừa qua đời sau một cơn đau tim. Thông tin này khiến cho các con phố ở Bình Nhưỡng trở nên tang thương và chìm trong nước mắt.

Ngay từ khi còn nhỏ, người dân Triều Tiên được dạy dỗ về việc bày tỏ lòng kính trọng tới lãnh tụ Kim Nhật Thành - hay còn gọi là người Lãnh đạo Vĩ đại đã qua đời năm 1994, và Lãnh đạo Kính yêu Kim Jong-il.

Dưới đây là những gì mà các nhà báo đã ghi lại.

Sinh viên không biết Nelson Mandela là ai

Các học sinh trung học đang chơi đá bóng tại một trường học ở Bình Nhưỡng. Ảnh CNNGo
Tại một khoa ngoại ngữ của trường đại học, phóng viên hỏi các sinh viên ở đó là bằng cách nào mà họ học tiếng Anh hay như vậy.

Một cậu sinh viên trẻ đáp: "Nhờ có Lãnh đạo Vĩ đại [Kim Nhật Thành], chúng tôi được xem các bộ phim tiếng Anh và tiếng Mỹ, chẳng hạn như phim "The Sound of Music".

Tuy nhiên, các sinh viên ở đó chưa từng nghe tới Nelson Mandela bao giờ.

Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành luôn là Chủ tịch

 
Bức hình về hai lãnh đạo của đất nước, bên dưới là loài hoa "Kim Chính Nhật" (mang tên của ông Kim Jong-il).
Các cô bé cười thật tươi và nhảy một cách chuyên nghiệp, các cậu bé trong chiếc khăn quàng đỏ và vẽ nên các khuôn mặt đang hát ngợi ca vị Lãnh đạo Vĩ đại của đất nước.

Trông thật duyên dáng nhưng có phần rụt rè.

Nhiều em nhỏ rảo nhanh bước khi tiến tới bức tượng đồng của Lãnh đạo Vĩ đại Kim Nhật Thành.

Lãnh tụ Kim Nhật Thành đã mất từ 16 năm trước, nhưng ông vẫn là chủ tịch của đất nước Triều Tiên. Trên khắp đất nước có hơn 500 bước tượng tạc chân dung của ông.

Một người hướng dẫn viên 24 tuổi giải thích: "Ông ấy là bất tử. Chúng tôi không tin rằng ông đã qua đời".

Không ai truy cập internet

Thành phố Bình Nhưỡng về đêm. Ảnh: CNNGo
Thay vì internet, người dân Triều Tiên lại có một mạng nội bộ đặc biệt mà các phóng viên được thấy ở Đại học Bình Nhưỡng.

Một sinh viên mới tốt nghiệp ngành luyện kim nói tiếng Anh rất tốt, cậu giải thích rằng cậu không thể so sánh nghiên cứu của mình với các sinh viên khác chẳng hạn như ở London hay Los Angeles, bởi vì hệ thống không cho phép.

Nhưng, cậu nói thêm: "Lãnh đạo Kính yêu đã chu đáo đưa mọi thứ chúng tôi cần lên hệ thống mạng nội bộ".

Một đám cưới của người Triều Tiên. Trong đám cưới, cô dâu và chú rể thường mời khách du lịch chụp ảnh cùng. Ảnh: CNNGo
Các loại hoa riêng dành cho lãnh đạo

Trong một buổi lễ lớn của đất nước. Ảnh: CNNGo
Lãnh đạo Kim Jong-il và cha của ông là người sáng lập lên nhà nước Triều Tiên Kim Nhật Thành đều có các loại hoa riêng mang tên của họ.

Hai loại hoa này được gọi tên là hoa "Kim Nhật Thành" (một loại hoa lan) và hoa "Kim Chính Nhật" (có màu đỏ rực rỡ).

Trong một trung tâm triển lãm tại trung tâm Bình Nhưỡng trưng bày hai loại hoa này.

Vào một ngày lễ ở Triều Tiên, hàng trăm người gồm cả các quân nhân, các cặp đôi, và các gia đình cùng với con cái đều đến thưởng lãm buổi triển lãm các loại hoa này.

Người dân chụp ảnh với hoa "Kim Nhật Thành" và hoa "Kim Chính Nhật", phía sau là chân dung của hai vị lãnh đạo đất nước. Ảnh: CNNGo
Rất nhiều người thích chụp ảnh cùng với các loại hoa này.

Khi phóng viên tỏ ý muốn chụp ảnh trước chân dung của hai vị lãnh đạo, Pak Mi-gyong - một hướng dẫn viên nói tiếng Anh - đã gợi ý rằng phóng viên nên chú ý tới bức chân dung treo ở cuối sảnh chính.

Cô Pak cảnh báo rằng khi chụp ảnh, phóng viên phải rất để ý, và phải chụp làm sao để lấy được toàn bộ chân dung của hai vị lãnh đạo trong khuôn hình.

"Họ là các lãnh đạo của chúng tôi và chúng tôi tôn kính họ từ sâu thẳm trong trái tim của mình. Chúng tôi không cho phép bất kỳ ai chụp cắt ngang người họ" - cô Pak nói và có phần không hài lòng.

  • Lê Thu (theo BBC)