- Nguy cơ cháy vé đã được dự báo trước do lượng hành khách quá tải ở Bến xe miền Đông Tuy nhiên số ngày nghỉ lễ kéo dài đã khiến tình trạng này đến sớm hơn dự kiến.

Từ buổi sáng ngày 27/04, Bến xe miền Đông- bến xe lớn nhất cả nước đã bắt đầu cháy vé đối với hàng loạt lộ trình từ TP.HCM đi các tỉnh. Mặc dù sẵn sàng chấp nhận giá vé cao ngất ngưởng nhưng nhiều người vẫn không có cơ hội mua.

Hành khách “nhảy” xe dù vì hết vé

Do nghỉ lễ 30/04 và 01/05 năm nay rơi vào thứ 2, thứ 3 nên nhiều người đã tranh thủ thu xếp công việc sớm hoặc kết hợp nghỉ phép năm và bắt đầu hành trình ngay từ ngày 27/04. Dù đã được dự báo trước nhưng đã xảy ra tình trạng cháy vé tại các bến xe trên địa bàn TP.HCM.

Đường ra bến xe miền Đông ùn tắc ngay từ trưa 27/4

Theo ghi nhận của VietNamNet tại bến xe Miền Đông, trong buổi sáng cùng ngày, lượng hành khách tập trung đông nhất ở những hành trình đi các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận và Đak Lắc.

Nhiều người cho biết đã đợi khoảng 3 tiếng để mua vé xe giường nằm chất lượng cao nhưng chưa có, sau đó chuyển sang tìm vé ghế ngồi nhưng cũng… sạch trơn.

Anh Huỳnh Tấn Trí (31 tuổi, quê Quảng Ngãi) nói: “Do công việc bận rộn quá nên tôi quên mất việc đặt vé xe về quê. Đoán được vé xe về Quảng Ngãi từ ngày 28 trở đi là không còn nên tôi xin nghỉ trước 1 ngày ra bến đợi xem có chuyến xe tăng cường nào là đi luôn”.

Quá tải ngay từ phòng bán vé

Tuy nhiên, cũng như nhiều người khác chờ xe về Quảng Ngãi, cho đến gần 10 giờ sáng, họ vẫn chưa mua được vé. Cuối cùng, anh Trí cùng một người đồng hương rủ nhau đi xe buýt qua bên kia cầu Bình Triệu để chờ đón xe “dù”.

Ngoài việc cháy vé đối với những lộ trình dài, người dân cũng khổ sở để có ghế đi những lộ trình ngắn tưởng chừng đơn giản như TP.HCM- Bình Thuận, TP.HCM- Lâm Đồng.

Tại quầy bán vé của một nhà xe đi Phan Rí- Chợ Lầu- Liên Hương (tỉnh Bình Thuận), gần 20 người chen chúc nhau chờ mua vé vì có thông tin sắp hết vé từ trong quầy báo ra. Hơn 1 giờ trôi qua, khu vực các quầy bán vé đi Bình Thuận cũng luôn trong tình trạng quá tải.

Bảo vệ trong khu vực đã phải nhắc nhở người dân liên tục. không để kẻ gian lợi dụng chen lấn, móc túi.

Choáng với “phụ thu” kiểu… tận thu ?

Mặc dù đã lường trước giá vé trước dịp lễ 30/04 và 01/05 sẽ tăng cao nhưng nhiều người dân không khỏi choáng váng vì mức độ tăng chóng mặt của một số nhà xe theo kiểu tận thu.

Nhiều quầy thông báo hết vé từ lúc 09h ngày 27/04

Một trong số hành trình có giá vé tăng cao nhất là TP.HCM- Gia Lai, TP.HCM- Kon Tum. Giá vé đã tăng 60%, nhiều nhà xe còn thông báo “không bán vé khứ hồi, không nhận đặt vé qua điện thoại”.

Chị Vũ Thị Huyền (27 tuổi, quê Gia Lai) nói: “Tôi mới mua 4 vé giường nằm cho cả gia đình đi Gia Lai vào tối nay hết gần 2 triệu đồng. Cách đây 2 tháng, vợ chồng tôi cũng về quê, khi ấy giá vé là 260 ngàn đồng, bây giờ đã lên đến 420 ngàn đồng. Rõ ràng các nhà xe đã dự báo lượng hành khách và từ đó chủ động được phương tiện, nhưng cuối cùng bao nhiêu cái khó đều quy ra tiền để người dân gánh hết”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Thượng Thanh Hải, Giám đốc Bến xe Miền Đông cho hay, hiện nay hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tại bến đã hoàn tất thủ tục về kê khai, niêm yết giá vé mới vào dịp lễ 30/4 và 1/5.

Theo đó, mức giá vé tăng cao nhất được niêm yết vào khoảng 60% so với mức giá cũ. Hầu hết giá vé tăng vào dịp này dao động từ 20-40%. Đây là khoản phụ thu do các doanh nghiệp vận tải tự cân đối chi phí và đề xuất với cơ quan quản lý, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều động phương tiện tăng cường giải tỏa khách.

Nhiều người đã thu xếp công việc để nghỉ lễ sớm khiến tình trạng cháy vé đến sớm hơn dự kiến.

Tuy nhiên, đây chỉ là tăng giá vé vào dịp lễ chứ chưa tăng do đợt xăng dầu “đội giá” vừa rồi. Giải thích về vấn đề này, ông Hải cho rằng, việc tăng giá vé để bù lỗ nhiên liệu vào thời điểm này là không thích hợp bởi sẽ có thể làm giảm lượng hành khách.

Đến khoảng 12 trưa nay, có ít nhất 6 quầy bán vé từ TP.HCM đi các tỉnh đã cháy vé đến tận ngày 01/05. Nhân viên các quầy vé cũng không buồn nhấc điện thoại trả lời khi có khách hàng gọi đến đặt vé.

Nhiều nhà xe đi các tỉnh phía Bắc dù khởi hành vào buổi chiều nhưng chưa hết buổi sáng đã thông báo từ chối nhận chuyển hàng vì lượng hàng hoá, quà biếu tăng chóng mặt. Anh Nguyễn Văn Đông (42 tuổi, quê Hà Nội) ngao ngán cho biết: “Tôi mới gửi một thùng hàng 50kg gồm quần áo, đồ khô, bánh kẹo về bến xe Giáp Bát. Nhà xe hét giá 500.000 đồng”.

Bến xe miền Tây: Cò vé tung hoành

Theo dự báo, lượng hành khách đi các tỉnh miền Tây trong dịp Lễ năm nay có thể tăng 5 đến 10% so với năm trước. Cụ thể các ngày 28/4 và 29/4 có thể đạt tới 50.000 đến 52.000 khách/ngày. Tuyến có lượng hành khách tăng cao là các tuyến TP.HCM đi các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang,…

Xếp hàng để cố gắng mua được tấm vé

Nhân viên Công ty Cổ phần vận tải Mai Linh cho biết: “Khách hàng chủ yếu đặt vé qua điện thoại, đến thời điểm này (11g trưa) vé đi các tỉnh miền Tây như: Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu,…đã bán sạch hết. Cho nên các khách hàng đặt vé trực tiếp thì phải đợi tới chiều mới có vé”.

Chị Nguyễn Thị Ba, hành khách về Kiên Giang buồn bã nói: “Tất cả các xe về Rạch Giá giờ hết vé rồi. Giờ muốn có vé thì phải gặp “cò” thôi, khi đó vé sẽ đắt hơn 30% đến 40% so với thông thường”.

Trong khi đó, tại bến xe, các “cò” vé vẫn nhan nhản hoạt động, lôi kéo khách bằng mọi cách. Nhưng khi cần vé quá nên nhiều hành khách cũng phải “cắn răng” mua mặc dù giá vé đắt hơn so với bình thường trên dưới 50 ngàn/vé.

Khi tiếp xúc với một “cò” vé, hỏi tuyến TPHCM – Sóc Trăng, người này cho biết: “Vé về Sóc Trăng 130 ngàn, xe 50 chỗ”. Trong khi giá vé về Sóc Trăng giá niêm yết là 90 ngàn đồng, theo đó mỗi vé “cò” bỏ túi tới 40 ngàn đồng.

Trương Khởi


Quốc Quang