- Bệnh chân tay miệng đang xuất hiện nhiều nơi. Muốn biết nguyên nhân, cách đề phòng và chữa trị căn bệnh đó, xin mời các độc giả  tìm hiểu các kiến thức bổ ích trong câu chuyện vấn đáp sau đây.

Hỏi: Được biết bệnh “chân tay miệng” đang có dịch ở nước ta à nhà tôi có nhiều chấu nhỏ Xin được giải đáp, đó là bệnh gì, triệu chứng và cách điều trị.

Trả lời: Hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, thể lực kém, trẻ em thường mắc những bệnh mà người lớn ít khi mắc. Trong số các bệnh như vậy có bệnh chân tay miệng (CTM) đang xảy ra dịch hiện nay.

Bệnh tay chân miệng.

Bệnh CTM do các virus thuộc nhóm Enterovirus, mà phổ biến nhất là Coxsakie A, Enteroirus 71 và các virus ruột khác gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus cư trú tại họng và ống tiêu hóa, rồi vào các hạch bạch huyết và tăng sinh tại đây (giai đoạn ủ bệnh). Tiếp đó virus từ các hạch theo máu đến gây tổn thương tại da, niêm mạc, tiếp tục sinh sản, thể hiện những triệu chứng đầu tiên.

Triệu chứng của bệnh ở trẻ là sốt nhẹ, biếng ăn, đau họng. Sau vài ngày, trẻ càng đau hơn và thấy trong miệng (lợi, phía dưới lưỡi) xuất hiện các chấm đó, rồi thành những mụn nước nhỏ và loét ra. Ban phát triển trên toàn thân, có những mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân (nên được gọi nôm na là bệnh chân tay miệng) tuy cũng có thể cả ở những chỗ khác như mông, gối… Mụn không ngứa nhưng đau rát.

Bệnh CTM dễ lây lan do các dịch tiết ở mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các mụn nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn dễ lây lan nhất là ở tuần đầu tiên trẻ khi bị nhiễm (ủ bệnh), nên khi phát hiện cần chú ý để trẻ cách ly tránh nhiễm trên diện rộng. Trong giai đoạn diễn tiến, khi virut gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, ở trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như ly bì, mê sảng hay co giật, có nhiều trường hợp trẻ có mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng…

Sau khi gây tổn thương da, niêm mạc, virus không nhân lên nữa, cơ thể xuất hiện kháng thể và hiện tượng nhiễm virut chấm dứt.
Nếu bệnh do các virut lành tính gây ra, mụn nước tự xẹp đi, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày khi được điều trị đúng cách như cho trẻ uống thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, ăn thức ăn nhẹ, uông nhiều nước. Nhưng nếu bệnh do virut Entero 71 gây ra thì có thể bị biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não, nhiễm khuẩn máu rất dễ dẫn tới tử vong.

Bệnh CTM chưa có thuốc đặc trị, thường tự khỏi nhưng cần đến bệnh viện để cách ly tốt hơn và tránh các biến chứng có thể gặp như viêm màng não, viêm não có thể dẫn đến bại liệt hoặc tử vong. Cũng chưa có văcxin riêng hoặc cách phòng bệnh đặc hiêu với bệnh CTM, nên phải chú ý đến việc phòng bệnh thông qua các phương pháp thông thường như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc thuốc sát trùng, không dùng chung dụng cụ với bênh nhân.

Việc đề phòng bệnh CTM cần rất được đề cao vì hiện nay đang có dịch xảy ra trên toàn quốc. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 30,000 ca mắc bệnh CTM và số tử vong đã lên tới 18 cháu. Theo Bộ Y tế, nước ta có số trẻ em bị mắc bệnh CTM tinh trên 10.000 dân cao thứ tư trong khu vực châu Á.

Mùa hè nắng nóng chúng ta càng cần phải chú ý đề phòng sự lây lan của bệnh CTM.

Tuấn Hà