- Nhược thị là một bệnh lý hầu như không có thuốc chữa, nhưng có khả năng phục hồi nếu được điều trị trước 6 tuổi.
Khi cha mẹ lơ là theo dõi mắt con trẻ
Chị N.T.M quê Thanh Hóa đưa con trai 3 tuổi đến khám tại BV mắt Trung ương, bé được chẩn đoán nhược thị. Bác sĩ đã cho phác đồ điều trị và cấp kính cho cháu đeo, cũng như tư vấn phương pháp điều trị.
|
Các em bé đang tập nhược thị tại bệnh viện mắt Trung ương |
Bẵng đi 3 năm sau, khi con chị vào lớp 1 thì tình trạng mắt bị kém đi. Đưa con trở lại viện, chị M ngỡ ngàng khi mắt con không phục hồi được nữa vì đã bỏ lỡ thời gian điều trị tích cực. Độ tuổi 6-7, trẻ gần như đã hoàn thiện chức năng thị giác. Lúc này, dù gia đình có quyết tâm cũng không hồi phục thị lực cho cháu một cách tối đa.
Con gái anh H.V.B quê ở Hải Dương cũng bị nhược thị và được bác sĩ cho đeo kính. Nhưng với tâm lý muốn con rời kính, anh đã đưa con đi chữa ở nhiều nơi kể cả Đông y. Chính điều này đã làm cho bệnh nhược thị của con gái anh trở nên trầm trọng và càng lớn càng khó can thiệp.
Điều trị nhược thị không phải để bỏ kính
Theo ThS.BS Phạm Minh Châu, BV mắt Trung ương, tất cả những hình ảnh con người nhìn thấy hằn trên vỏ não, bất cứ một lý do gì làm cho hình ảnh ấy không được tiếp nhận rõ vào trong mắt và phản ánh lên não thì gây ra nhược thị.
|
BS Phạm Minh Châu |
Không có hình ảnh, có thể nó bị che đi như trường hợp sụp mi, đục thể thủy tinh, hay một số bệnh lý của bệnh nhãn cầu gây che khuất... Những trường hợp này bệnh nhân có thể được phẫu thuật để khắc phục.
Còn các trường hợp làm hình ảnh mờ đi, lác, không thẳng trục, tật khúc xạ, cận thị viễn thị cũng làm cho hình ảnh không rõ nét thì có phương pháp điều trị bằng đeo kính, tập luyện...
Theo BS Châu, nhược thị ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm sẽ gây nhược thị càng sâu. Trước 6 tuổi, nếu phát hiện và được điều trị tích cực sẽ khôi phục được thị lực còn sau đó không can thiệp được nữa.
Tuy nhiên, bác sĩ Châu cho biết, nhóm gặp nhiều nhất là tật khúc xạ mà để phát hiện được thì rất khó. Trẻ nhìn nheo mắt, nhìn các sự vật ở khoảng cách gần hoặc tiến gần tivi để nhìn, đấy là những biểu hiện của tật khúc xạ ở mắt.
Do đó, bố mẹ cần có những kiến thức về căn bệnh này để phát hiện sớm và đưa con đi khám. Nếu phát hiện tật khúc xạ, bác sĩ sẽ cho trẻ đeo kính, phương tiện rất hữu ích để giúp cho hình ảnh rõ nét trên võng mạc.
Cũng theo BS Châu, việc điều trị nhược thị dễ nhất là tật khúc xạ, biện pháp đeo kính là yên tâm nhất.
Nhóm tật khúc xạ cao nếu được phát hiện sớm và điều trị trước 6 tuổi thì khả năng phục hồi thị lực tốt hơn, do não chưa nhận được hình ảnh rõ nét. Còn sau 6 tuổi nó chỉ chấp nhận những hình ảnh mờ, vì đây là câu chuyện quá trình phát triển của cả bộ não, mà mắt là bộ phận kéo dài của não.
Còn nếu là nhược thị thực thể, do bệnh lý tại mắt, những trường hợp này điều trị rất khó, đặc biệt là những ca đục thủy tinh thể một mắt, rung giật nhãn cầu hoặc bệnh nhân bị bạch tạng... vì nó phối hợp với bệnh lý tại mắt. Tuy nhiên nhóm này ít hơn.
Bệnh nhược thị có liên quan đến chức năng thần kinh chứ không đơn thuần là bộ máy trong mắt. Tật khúc xạ cũng sẽ thay đổi theo thời gian, vì vậy phải cấp kính đúng cho từng tình trạng bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ được tập luyện mắt tại phòng tập nhược thị.
BS Châu tư vấn, các phụ huynh phải hiểu, điều trị nhược thị không phải để bỏ kính, mà bản chất là tật khúc xạ mà rối loạn điều tiết thì rất khó có thể thay đổi khúc xạ và rời kính. Cận thị, viễn thị nặng không bỏ được kính. Bỏ kính, cấp kính sai, hậu quả đều dẫn đến tình trạng nhược thị trầm trọng hơn.
Trên thực tế đây là một bệnh lý không tăng theo thời gian, có chăng chỉ tăng lên do dân số mình tăng và số người được thăm khám tăng lên.
BS Châu cũng giải thích thêm, các bố mẹ lo ngại trẻ tiếp xúc nhiều với điện tử, tivi, điện thoại, ipad sẽ gây nhược thị. Tuy nhiên, điều này chỉ gây cận thị chứ không gây nhược thị, gây ra rối loạn điều tiết, làm cho trẻ con đeo kính sớm hơn.
Thùy Ninh