Nhiều người đã tranh luận về tên gọi thật sự của loài hoa này, có người nói là hoa ban trắng, một số lại cho là hoa xoan... Những cuộc tranh luận trở nên sôi nổi hơn khi bức hình về loài hoa này xuất hiện trên các diễn đàn mạng xã hội. 

Anh Quách Văn Hữu (30 tuổi, Hà Nội) là một người mê xê dịch qua các cung đường Tây Bắc. Anh cho biết: "Đầu tháng 4, tôi và gia đình lên Tây Bắc du lịch, khi đi trên quốc lộ 6, đoạn qua Mai Châu (Hòa Bình) thấy có rất nhiều hoa nở trắng đồi. Đến nay, vợ chồng tôi vẫn tranh luận đây có phải là hoa ban trắng hay không?".

"Tôi đã nhiều lần đi du lịch và chụp ảnh các loài hoa tại các tỉnh Tây Bắc nên khẳng định đây là hoa ban trắng. Còn vợ tôi tìm hiểu trên internet thì cho rằng đây là hoa xoan", anh Hữu chia sẻ.

W-z5371987280452-c8bf92f225b9de903a09fa5aa1b1891d-1.jpg
Nhìn từ xa, loài hoa trắng khiến nhiều người nghĩ đến đàn cừu đang gặm cỏ. Ảnh: Anh Tâm 

Để tìm hiểu tên gọi thật sự của loài hoa này, PV VietNamNet đã liên hệ ông Hà Văn Tích - Chủ tịch UBND xã Tòng Đậu (Mai Châu, Hòa Bình). Theo ông Tích, có rất nhiều du khách lầm tưởng đây là hoa ban, vì nhìn từ xa màu sắc rất giống. Tuy nhiên, đây là hoa của cây thàn mát (còn có tên gọi khác như mác bát, duốc cá).

Cây thàn mát mọc ở các vùng núi rừng có thời tiết mát mẻ và nhiều ánh sáng, cây cao 10-20m. Hoa thàn mát nở rộ nhất trong tháng 4, sau đó ra quả và có hạt vào khoảng tháng 9. Hạt thàn mát được dùng để làm thuốc đánh bắt cá.

W-z5371987291776-b8b83e7c28c478eaaf858e0608415dca-1.jpg
Hoa thàn mát nở trắng rừng Tây Bắc vào tháng 4. Ảnh: Anh Túc

Ông Hà Văn Tích thông tin thêm, người dân ở đây, khi muốn đánh bắt cá sẽ tán nhỏ hạt thàn mát rồi trộn với tro bếp, sau đó rắc vào đoạn sông suối đã được ngăn lại. Sau vài giờ, cá bị say thuốc, nổi lên mặt nước, được người dân vớt lên mang về.

Ngoài ra, người dân thường đem hạt thàn mát giã nát, ngâm trong nước từ 4 - 12 giờ, sau đó đem pha loãng, phun lên cây trồng để diệt sâu bọ. Ai vô tình ăn phải hạt thàn mát có thể bị say, hắt hơi, chảy nước mắt và buồn nôn.