- Mỗi miếng kính được chế tác vô cùng tinh xảo với sự biến ảo hoàn hảo về màu sắc. Và ngay cả những chiếc chân đèn cũng trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo phi thường.

Một trong những chao đèn khiến người xem ngẩn ngơ.

Khám phá bí mật sau những mảng kính màu

Trong rất nhiều chiếc đèn Tiffany, kính màu còn được xử lý theo cách riêng để tạo ra các độ trong suốt khác nhau, các bề mặt khác nhau, độ chuyển tiếp khác nhau giữa các gam màu đối nghịch, các hiệu ứng lốm đốm, lung linh hình tròn, hình bầu dục… và cả hiệu ứng 3D để tạo ra những chiếc lá, cánh hoa vô cùng sống động làm người xem ngẩn ngơ.

Nhiều loại kính màu sắc rực rỡ có khả năng biến hoá, có loại phải dùng đến vàng ròng hoặc các loại quặng quý hiếm để luyện thành. Đó chính là bí quyết và cũng là nguyên nhân để tạo nên sự thành công và tiếng tăm của Tiffany và những chiếc đèn bất hủ của ông. Đáng tiếc, đến nay có rất nhiều công thức và kỹ năng làm kính Tiffany thất truyền nên có những loại kính không còn trên thị trường.

Khi còn sống Tiffany đã phát minh khoảng 500 chủng loại kính màu khác nhau

Khi còn sống Tiffany đã phát minh khoảng 500 chủng loại kính màu khác nhau (nay đã thất truyền gần hơn 50%). Chúng khác nhau ở sự tổ hợp các hiệu ứng ánh sáng khác nhau, độ chuyển tiếp màu sắc khác nhau, độ trong suốt khác nhau và bề mặt khác nhau… Nhưng về bản chất, các hiệu ứng của kính màu Tiffany không phải nằm ở bề mặt mà nằm ngay bên trong kính nên chúng có khả năng tạo sự biến ảo về màu sắc, độ sáng tối khác nhau ở những góc nhìn và độ khúc xạ ánh sáng khác nhau.

Dòng kính màu truyền thống trước Tiffany, chủ yếu được áp dụng trong các cụm kiến trúc độc đáo nhất của nhà thờ Thiên chúa giáo, vốn chủ yếu là sử dụng kính màu đơn sắc, trong suốt được quét một lớp màu sơn trong suốt rồi nung nhẹ lửa để bảo quản lâu dài.

Chỉ cần điều chỉnh độ sáng và góc nhìn là chiếc chao đèn đã khác hẳn.

Còn màu sắc của dòng kính Tiffany lại được tạo nên bởi quặng hữu cơ trong quá tình luyện chảy silicat và sau đó được pha trộn chế biến theo các tổ hợp màu sắc để tạo thành kính nghệ thuật. Bản chất màu sắc của kính màu Tiffany là nằm trong từng phân tử của kính, rất tinh khiết, vĩnh viễn chứ không ở trên bề mặt như kính màu truyền thống. Nhờ độ phức tạp của các quá trình pha trộn đặc biệt giữa các tổ hợp màu sắc và độ tinh khiết cao nên chúng cho độ khúc xạ rất nhạy để đem lại các hiệu ứng ánh sáng vô cùng đặc sắc và tinh tế.

Một chiếc cửa sổ được làm bằng kính màu Tiffany có thể cho các cảm xúc hoàn toàn khác nhau trong thời tiết khác nhau, tranh kính hoàn toàn khác nhau giữa buổi ban mai và lúc hoàng hôn, giữa tiết trời trong xanh và trong một ngày ảm đạm. Bởi vậy những bức tranh hoặc những chiếc đèn làm bằng kính màu Tiffany là những tác phẩm tạo hình biết nói, biết biểu cảm. Nghệ thuật kính màu Tiffany là độc nhất vô nhị và vô cùng quý giá là vì thế.

Chân đèn Tiffany chủ yếu làm từ đồng với một công nghệ xử lý đặc biệt.

Khi chân đèn cũng có thể trở thành kiệt tác nghệ thuật

Chân đèn Tiffany tất cũng đặc thù vì chúng được Tiffany Studio chế ra để phục vụ cho những chiếc chao đèn kính màu Tiffany. Tiffany sáng tạo trên 200 loại chân đèn khác nhau và mỗi chiếc đều có một vẻ đẹp riêng, xứng đáng được coi là những tác phẩm nghệ thuật.

Chân đèn Tiffany thường rất nặng, ví dụ chân đèn Zinnia (Khóm Cúc dại), chỉ cao 60 cm mà trọng lượng lên đến trên 40 kg. Tuyệt đại đa số chúng được làm bằng đồng, một số kết hợp với thuỷ tinh và thường được hoàn thiện bằng một lớp bề mặt mang màu sắc thời gian nhờ công nghệ đặc biệt (patina) của riêng Tiffany. Chúng được chế tác vô cùng tỉ mỉ, thường có dáng dấp và đường nét rất lạ lùng khác với phong cách truyền thống.

Có những chiếc chân đèn nặng tới 40kg.

Cũng như những chiếc chao đèn, tất cả các chân đèn Tiffany đều chối bỏ các quy ước mỹ thuật cổ điển và mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa Tân Hiện đại (Art Nouveau). Tuy giá trị không cao bằng những chiếc chao đèn (thường chiếm 1/10 giá trị của mỗi chiếc đèn) nhưng chúng đều được coi là những kiệt tác nghệ thuật hoàn hảo.

Ngày nay người ta chỉ phục chế được khoảng 1/5 mẫu mã ở mức độ tương đối chuẩn xác các loại chân đèn của Tiffany với mục đích chủ yếu là cung cấp cho những người chơi đèn và các bảo tàng. Tuy là phiên bản nhưng giá của mỗi chiếc chân đèn phiên bản ấy cũng được tính bằng nhiều nghìn đô la, thậm chí có cái lên đến hàng chục nghìn đô la và phải mất cả năm trời chờ đợi để có được chúng.

Có những chiếc chân đèn lên đến hàng chục ngàn đô la.

Kết quả của con đường sáng tạo độc nhất vô nhị

Không phải ai cũng biết rằng Tiffany vốn là một người rất trọng tình bạn, là người cha có đàn con đông đúc và thích xum vầy tổ ấm gia đình. Ông là người dễ gần, thích vui vẻ, có cá tính và những sở thích khá kỳ cục.

Có lẽ do cá tính bướng bỉnh nên ông đã từ bỏ thừa hưởng cả một cơ nghiệp kinh doanh phát đạt vào bậc nhất nước Mỹ của cha ông. Không thích giống ai, trong công việc ông luôn luôn tự thách đố mình để sao cho các tác phẩm nghệ thuật của mình khác hẳn của các nghệ sĩ đương thời, thậm chí nghĩ đủ mọi cách để không ai bắt chước được mình.

Cuối thế kỷ 19 là giai đoạn nền kinh tế Mỹ hưng thịnh chưa từng có, tầng lớp chủ giàu có xuất hiện nhan nhản. Họ tìm mọi cách để khoe của, để phô trương thanh thế và lối sống xa hoa. Các nghệ sĩ làm ăn khấm khá và trở thành một tầng lớp giàu có vì chạy theo phụng sự gu thẩm mỹ của giới trọc phú. Các motive cung đình Ai Cập, La Mã, triều đại Roman, Victoria và các hoạ tiết rắc rối cầu kỳ của nghệ thuật Baroque trở nên hưng thịnh ở Hoa Kỳ vào giai đoạn này.


Một chiếc chân đèn có thể dùng cho nhiều chao đèn khác nhau.

Nhưng Tiffany, với sự nhạy bén của một nghệ sĩ tầm cỡ, ông đã sớm chối bỏ con đường mòn đó. Ông bỏ luôn hàng trăm hợp đồng trang trí tranh kính nhà thờ và các lâu đài đang mọc lên nhan nhản để đi tìm cho mình một chân trời riêng: Thiên nhiên. Bị ảnh hưởng sâu sắc dòng nghệ thuật cách tân của châu Âu, ông đã dành nhiều năm tháng để đi vào thiên nhiên, cỏ hoa và cây cối. Và cuối cùng ông đã tìm được con đường riêng, cho trường phái nghệ thuật riêng của mình: Trường phái Thiên nhiên mộc mạc và thân thiện với con người. Có lẽ ông cũng không ngờ được đó cũng là con đường duy nhất đã làm cho các tác phẩm của ông trở thành bất hủ về giá trị về nghệ thuật, làm chúng trở thành bát tử trong kho tàng văn hoá nhân loại.

Trên 90% số chao đèn do Tiffany Stuido New York làm ra mang hình ảnh và tên cây cỏ, con vật.

Lúc bấy giờ, trong khi các hãng làm tranh kính và làm đèn kính màu ở Mỹ đua nhau cho ra những chiếc chao đèn, chân đèn vô cùng phức tạp, rắc rối mang dấu ấn của các nền văn hoá quá khứ rồi được gắn những cái tên rất “hoành tráng” như “Đèn Hoàng Gia”, “Đèn Cung đình”, “Đèn Victorian 1,2,3…”, “Roman 1,2,3…” thì Tiffany lại bình thản cho xuất hiện những chiếc chao đèn vô cùng tinh xảo bằng thứ kính do chính ông chế ra, nhưng lại mang những chủ đề và những cái tên rất giản dị, thân thiện và đời thường. Trên 90% số chao đèn do Tiffany Stuido New York làm ra mang hình ảnh và tên cây cỏ và con vật như: Khóm hoa Cúc, Hoa Thuỷ tiên, Hoa Mộc Lan, Hoa Anh túc, Hoa Kim tước, Hoa Sen, Hoa Súng, Sen cạn, Hoa Loa kèn, Khóm Hồng, Cây Đậu tía, Cây táo nở hoa, Hoa Anh túc, Cây trúc… và thậm chí là Bắp cải, Hoa quả tứ quý… Chao đèn hình con nhện, Mạng nhện và cây táo, Bươm bướm… Nhưng nổi tiếng và phổ biến nhất các loại chao đèn mang đề tài Chuồn chuồn.


Phổ biến nhất vẫn là đèn Chuồn chuồn.

Trong quá tình tìm tòi và sáng tác chính Tiffany phải công nhận là ông đã tìm được rất nhiều điều thú vị trong các motive Phương Đông, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình Nhật Bản. Các chủ đề cây cỏ của ông, điển hình là Chuồn chuồn, Bươm bướm và tre trúc in đậm dấu ấn tranh khắc gỗ Nhật Bản.

Còn về chân đèn, đi ngược với các loại chân đèn “Đế chế”, “La mã”, “Napoleon 1,2,3…” phủ đầy vàng bạc và đá quý mà đa số các nhà kỹ nghệ đương thời đang làm, Tiffany cho ra đời loại chân đèn bằng đồng và hoan thiện bằng tone màu gỉ xanh hơi nâu của đồng. Chúng có hình thù vô cùng mới mẻ, luôn làm những người mua đèn phải ngẩn ngơ khâm phục vì vẻ sinh động độc đáo, dáng hình tao nhã khác thường của chúng. Giống với những chiếc chao đèn có tên mộc mạc, chúng là những chân đèn mang tên Củ hành, Quả Dứa, Cái Chum, Cái đôn Tàu, Lùm Cúc dại, Lúa mạch, Cá, Chuồn chuồn…

Chiếc chao đèn đều được làm hoàn toàn thủ công.

Điều đáng nói là tuy chỉ là Chao Chuồn chuồn, Hoa Súng, Bắp cải… còn chân đèn thì Củ hành, Quả dứa… Nhưng ngay lúc đó do được thị trường quá hâm mộ, và đến nay cũng như vậy, nên giá của mỗi chiếc chân đèn và chao đèn của Tiffany đã đắt hơn các cây đèn giát vàng dát bạc “Hoàng gia”, “Cung đình” kia hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Ngày nay, trong khi những chiếc đèn cổ của Tiffany được đấu giá tính bằng triệu đô la thì những chiếc đèn “Hoàng gia” dát đầy vàng bạc cùng thời với đèn Tiffany chỉ được đấu giá với giá vài chục ngàn, thậm chí vài ngàn đô la. Vào mùa Xuân 2007, eBay đã rao bán đấu giá một chiếc chân đèn Tiffany cỡ nhỏ cao khoảng 35 cm với giá khởi điểm chỉ dưới 1.000 đô la nhưng bước sang ngày thứ 9 nó đã được mua với cái giá khá bất ngờ: 81.000 đô la! Năm 2008 một chiếc chân đèn hiếm hoi còn lại mang tên “Cái đôn Tàu” đã được bán đấu giá trên chợ điện tử eBay với giá 97.000 đô la (trương đương 2 tỷ VNĐ). Nhưng các nhà chuyên môn cho rằng nếu người sở hữu chiếc chân đèn ấy chịu khó đem đấu giá ở Christie’s chắc chắn nó sẽ tìm được những người chủ đích thực sẵn sàng mua với giá nửa triệu đô la!

Có những chiếc đèn đáng giá cả một gia tài.

Nhưng điều thú vị nhất thể hiện tính cách độc đáo của Tiffany chính là những chi tiết bí hiểm nằm trong cấu trúc của những chiếc chân đèn và chao đèn của Tiffany. Một người sưu tầm đèn Việt Nam đã may mắn mua được một chiếc chân đèn Cái Đôn Tàu của chính hãng Tiffany với một cái giá khá may mắn. Trong khi bán tin bán nghi, ông đã cho đi làm thêm một chi tiết nhỏ để nâng cao một bộ phận cho phù hợp với kích thước chiếc chao đèn của ông. Không ngờ sau khi chạy vạy nhờ vả khắp các xưởng cơ khí ở Hà Nội, cuối cùng ông đành phải bó tay. Các kỹ sư cơ khí Hà Nội cho biết cái tất cả các chi tiết của cái chân đèn kia đã được người ta cố tình làm ra bằng những loại thiết bị có tiêu chuẩn riêng, độc nhất và chẳng theo chuẩn mực cơ khí nào của thế giới nên không thể thay thế hoặc thêm thắt. Đó chính là tính cách của Tiffany !

Có lẽ tính cách độc đáo đó của Tiffany đã làm nên sự thành công phi thường mà chính một người vĩ đại như Steve Jobs cũng phải kính cẩn ngưỡng mộ.

 

Hạnh Phương - Nguyễn Hoàng
Photo & Clip: Hoang Nguyen

>>Bài cuối: Nhà sưu tầm ẩn náu sau những cây đèn quý tộc