Với hai quốc gia khó xin visa nhất là Nhật và Hàn Quốc, Nguyễn Việt Đức nhờ bạn bè quen trong các chuyến di lịch bụi làm thư mời, giấy tờ bảo lãnh.

Chính sách visa của từng nước khác nhau, nên không có một quy trình thủ tục nào chung cho mọi quốc gia. Các bạn nên vào trang web của đại sứ quán nước bạn muốn đến (có thể tại quốc gia bạn đang có mặt) để xem họ yêu cầu gì cho thủ tục cấp visa. Nếu có thể, bạn gọi điện thoại hoặc đến đại sứ quán hỏi cho chắc chắn.

Có những nước không cần xin visa, có những nước bạn có thể dễ dàng lấy visa tại chỗ tại cửa khẩu hoặc điền mẫu xin visa online, nhưng có những nước bạn bắt buộc phải xin được visa trước khi đến.

Visa đến các nước phát triển khó xin hơn

Với đa số các quốc gia đang phát triển, bạn có thể dễ dàng xin visa, chỉ cần làm theo hướng dẫn và đóng tiền. Còn nước phát triển khó khăn hơn rất nhiều, mặc dù không phải là không thể.

Nguyễn Việt Đức (25 tuổi, người Hải Phòng) đang học thạc sĩ ngành Thương mại Quốc tế ở Đại học Inje (Gimhae, Hàn Quốc) theo diện học bổng.​ Từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2015, anh đã đi du lịch bụi tới hơn 20 quốc gia và lãnh thổ châu Á, với tổng chi phí khoảng 3.000 USD.

Thông thường, đại sứ quán các nước phát triển sẽ yêu cầu chứng minh những điều cơ bản như nghề nghiệp, thu nhập, tài sản ở Việt Nam, tài chính cho chuyến đi, vé máy bay khứ hồi… Tuy nhiên mục đích cuối cùng của những việc đó là bạn phải chứng minh một cách thuyết phục rằng bạn sẽ rời khỏi nước họ sau khi kết thúc chuyến đi.

Những điều trên là cơ sở cho việc bạn có nhiều mối ràng buộc tại Việt Nam để phải quay về chứ không ở lại bất hợp pháp.

Tới Maldives không cần visa, xin vào Nepal và Ấn Độ dễ dàng

Quốc đảo Maldives có thu nhập chính dựa vào du lịch nên họ miễn phí visa. Bạn chỉ cần đến, trình hải quan xem vé máy bay khứ hồi và đặt phòng khách sạn, bạn có ngay con dấu nhập cảnh 30 ngày, và có thể gia hạn nhiều lần nếu muốn.

{keywords}

Từng mất hộ chiếu tại biên giới Nepal - Ấn Độ, nhưng Đức may mắn tìm lại được.

Xin visa đến Ấn Độ không có gì khó khăn. Nộp hồ sơ ở đại sứ quán Ấn Độ, đóng lệ phí 43 USD, sau 3 ngày bạn có visa 6 tháng (hoặc 3 tháng), ra vào nhiều lần. ​Với hộ chiếu Việt Nam, bạn có thể bay đến một số sân bay lớn ở Ấn Độ cũng sẽ xin được visa tại chỗ (on arrival) với phí 60 USD cho một tháng. Nếu đang du lịch ở nước ngoài, bạn cũng có thể xin được visa rất dễ dàng với hồ sơ đơn giản: điền đơn, nộp ảnh và hộ chiếu.

Nepal lại càng dễ hơn. Visa 2 tuần có phí 25 USD, 1 tháng là 40 USD, 3 tháng là 100 USD, áp dụng cho tất cả các nước, dễ dàng xin được tại chỗ ở hầu như tất cả cửa khẩu hàng không hay đường bộ của nước này.

Bí quyết xin visa Nhật và Hàn Quốc

Nguyễn Việt Đức nhận xét, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước anh thấy khó xin visa nhất. ​Anh nhờ bạn ở các quốc gia này làm giấy tờ để bảo lãnh.

{keywords}

Nguyễn Việt Đức và Takuya Fujii, bạn người Nhật đã bảo lãnh Đức. Họ gặp nhau trong chuyến phượt ở Lào năm 2014.

Những giấy tờ cơ bản gồm bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người bảo lãnh, thư mời từ người bảo lãnh, chứng minh tài chính và nghề nghiệp của họ, bằng chứng về mối quan hệ giữa mình và họ (có thể là những tấm ảnh chụp cùng nhau hoặc thư từ, email… miễn là chứng minh được 2 người có quen nhau, có qua lại đủ thân thiết trong một khoảng thời gian). Đó là những người bạn ​anh gặp trên đường đi du lịch bụi, trở nên gắn bó, thân thiết dù trong quãng thời gian ngắn. Đức mời họ sang Việt Nam, họ cũng mời ​anh tới nước họ. Do đã nghiên cứu rất kỹ từ trước về thủ tục hồ sơ xin visa của rất nhiều nước trên thế giới, không khó để Đức biết mình cần những gì cho hồ sơ.

Ngoài ra, đại sứ quán có thể sẽ yêu cầu một số giấy tờ cụ thể khác từ người bảo lãnh, tùy theo chính sách của mỗi sứ quán mỗi nước.

Đức kể, anh xin visa Hàn Quốc khó khăn hơn do bị gọi lên phỏng vấn. ​Nhưng anh rất tự tin vì thực sự không có ý định ở lại bất hợp pháp, mà chỉ muốn khám phá đất nước họ. Mặc dù bị vặn vẹo rất nhiều câu hỏi và dồn tâm lý​, anh vẫn bình tĩnh đối đáp lại, trả lời rành mạch, trung thực. Cuối cùng anh nhận được visa. Đức thừa nhận, thời gian sau khi phỏng vấn đến khi nhận visa, anh lo lắng hơn bình thường.

Kinh nghiệm xin visa tại nước thứ 3

Nhìn chung, việc xin visa ở nước bạn đang đi du lịch khó khăn hay không tùy vào quy định của họ, thay đổi tùy vào địa điểm, thời gian. Vì vậy, bạn phải liên tục cập nhật thông tin, linh động lịch trình để hạn chế trở ngại. Nguyễn Việt Đức đã không thể xin được visa Bangladesh ở Nepal, nhưng qua Ấn Độ lại xin được dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có khi ​anh bó tay và không có cách nào khác phải quay về Việt Nam để nộp đơn, hoặc để dành cho chuyến đi sau: anh không xin được visa Nhật ở Malaysia và Hàn Quốc, do họ có quy định chung là không cấp visa cho người nước ngoài không có tư cách cư trú tại nước sở tại.

Tự làm thủ tục để tiết kiệm chi phí

Nguyễn Việt Đức luôn tự làm visa để tiết kiệm chi phí. Anh nói: "Đã đi du lịch bụi, không nên phung phí tiền cho dịch vụ trong khi bản thân mình vẫn phải chuẩn bị hết hồ sơ và có thể tự đi xin visa".

Nếu bạn có ý định xin visa nhiều nước, hãy sao chụp hồ sơ thành nhiều bản để không mất công chuẩn bị lại (tốn kém hơn rất nhiều). Công dân Việt Nam có lợi khi nhiều lúc phí visa thấp hơn rất nhiều so với phí visa của người Mỹ, Anh, Úc, Canada, châu Âu…

(Theo Zing)