- Sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến sẽ phối hợp với công an thành phố và các trường THPT bí mật ghi hình, quay camera chụp ảnh những  học sinh phạm Luật Giao thông đường bộ khi đến trường. Từ tháng 3, học sinh cấp 3 sẽ không được đi xe máy đến trường. Đồng thời, dùng điện thoại sai mục đích cũng sẽ nhận hình thức xử phạt.

TIN BÀI KHÁC



Hình ảnh người trẻ, xe đẹp, đầu trần xuống phố được VietNamNet tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong buổi chiều ngày 18/2. Ảnh: Văn Chung

5 trường học tham gia mô hình điểm gồm: THPT Kim Liên, THPT Quang Trung (quận Đống Đa), THPT Việt Đức, THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) và THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình).

Tại hội nghị bàn cách triển khai sáng nay, 25/2, các ý kiến phát biểu đều cho rằng, học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, cũng như sử dụng ĐTDĐ "không đúng mục đích" đang là hiện tượng nhức nhối cần ngăn chặn.

Cụ thể, tình trạng học sinh kẹp 3, kẹp 4 trên xe máy phân khối lớn đến trường ngày một nhiều, gây ùn tắc giao thông ở cổng trường.

Sở GD-ĐT cho rằng, việc sử dụng ĐTDĐ đã vượt khỏi giá trị nhân văn - không ít clip học sinh đánh nhau được quay bằng điện thoại đã phát tán trên mạng làm nhức nhối dư luận xã hội.

Tuy nhiên, đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội băn khoăn với dự thảo quy định của Sở GD-ĐT  đưa ra "Học sinh chưa đủ 18 tuổi không được điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông và đi đến trường". Vậy trên 18 tuổi thì có được đi, vì thực tế, có nhiều học sinh trên 18 tuổi vẫn đang học cấp 3.

Do vậy, các quy định đưa ra cần căn cứ vào luật, tránh tình trạng đến khi thực thi có sự bắt bẻ vì chưa chặt chẽ - ông Thùy gợi ý.Một thực tế khác, ông Thùy lo lắng, lâu nay, trách nhiệm của các trường là từ cổng trường vào. Vậy, học sinh đi xe máy đến rồi gửi nhà dân hay sử dụng ở ngoài trường học thì giám sát và quản thế nào?

Là một trong 5 trường được chọn thí điểm thực hiện, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Nguyễn Quốc Bình góp ý, cần làm rõ: Theo quy định trước đây, học sinh không được đi xe máy có dung tích từ 50 phân khối trở lên, còn quy định lần này là từ 70 phân khối trở lên. Vậy, xe máy có dung tích từ 50 đến 70 phân khối thì có được đi tới trường?

Ông Bình cũng thắc mắc với dự kiến yêu cầu "Phòng Cảnh sát giao thông và phòng An ninh chính trị nội bộ TP Hà Nội (PA83) - Công an thành phố phối hợp với các trường THPT bí mật ghi hình, quay camera chụp ảnh những  học sinh phạm Luật giao thông đường bộ khi đến trường... ".

Ông đặt câu hỏi ai sẽ quay, quy định này có đúng luật. Bởi thực thế, không ít học sinh đi xe máy phân khối lớn nhưng gửi xe ở nhà dân nên nhà trường không thể đến đó để quay phim.

Ông đề xuất cần có sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và chính quyền địa phương.

Có rất nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ ĐTDĐ như hẹn hò đánh nhau, quay clip phát tán trên mạng. Tuy nhiên quy định cần làm rõ những lời nói, hình ảnh nào cấm thì học sinh - tránh tình trạng điều cần cấm thì không cấm.

Thượng tá Vũ Minh Chính, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ TP Hà Nội

"Nếu không có sự phối hợp tích cực từ phía gia đình thì sẽ không hiệu quả - vì có không ít gia đình quá nuông chiều con, biết sai nhưng vẫn mua xe đẹp, điện thoại đắt tiền cho con. Những cháu này chủ yếu là những học sinh kém".

Phương án xử lý đối với những học sinh vi phạm 2 nội dung "đi xe máy đến trường" và "sử dụng điện thoại không đúng mục đích" là giữ lại, đồng thời quy trách nhiệm cho cha mẹ học sinh.

Về cụm từ "sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích", theo phó Trưởng Công an quận Đống Đa Nguyễn Hữu Thắng, nếu cấm không cho học sinh sử dụng ĐTDĐ cũng gây khó khăn cho phụ huynh.

Thực tế, nhiều phụ huynh trang bị điện thoại di dộng cho con chỉ để quản lý cho dễ. Do vậy, cần xem xét thế nào là "đúng mục đích".

Đồng quan điểm, Thượng tá Vũ Minh Chính, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ TP Hà Nội (PA83) khẳng định, có rất nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ ĐTDĐ như hẹn hò đánh nhau, quay clip phát tán trên mạng.

Tuy nhiên, quy định cần làm rõ những lời nói, hình ảnh nào cấm thì học sinh - tránh tình trạng điều cần cấm thì không cấm.

Theo ông Chính, nên có biện pháp kiểm tra điện thoại di động của học sinh để có biện pháp quản lí phù hợp.

Trưởng Ban cha mẹ học sinh Trương THPT Phan Đình Phùng Trần Hồng Nhung đồng ý với những quy định của hai sở đưa ra "học sinh dưới 18 tuổi không được điều khiển mô tô, xe máy đến trường" cũng như cơ chế giám sát để học sinh sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích.


  • Kiều Oanh

Hiện tượng học sinh đi học bằng xe máy, trong số đó không ít người vi phạm luật giao thông và hiện tượng sử dụng điện thoại di động của học sinh đang làm đau đầu các nhà quản lý. Nên ứng xử với hiện tượng này như thế nào? Mọi ý kiến xin gửi về: hanh.le@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn.