- Sau khi vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2014, Nguyễn Trọng Nhân hiện chỉ tập trung vào việc ôn luyện tiếng Anh để tháng 6-7/2015 sang học ngành CNTT tại ĐH Swinburne (Úc). Nhân cho biết đã bỏ Facebook vì thấy bị làm phiền nhiều.
Với điểm số 260, Nguyễn Trọng Nhân – học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang đã trở thành quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2014.
Trọng Nhân cho biết mình đã gần như bỏ hẳn Facebook vì thấy cuộc sống bị làm phiền quá nhiều. (Ảnh: Văn Chung) |
Phong cách lạnh lùng, có phần bí ẩn là ấn tượng mỗi lần trò chuyện với Trọng Nhân.
Sau trận thi chung kết, những tranh cãi xung quanh câu hỏi ở vòng thi Về đích có thể ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc, Trọng Nhân và gia đình đã chọn cách im lặng và bình thản đón nhận các ý kiến.
Có tài khoản Facebook cá nhân nhưng Trọng Nhân cho biết bạn đã gần như bỏ hoàn toàn, không sử dụng vì cảm thấy cuộc sống của bản thân “bị làm phiền quá nhiều”.
Bố mẹ làm du lịch và gia đình cũng có điều kiện, nhưng sau cuộc thi Nhân không xin gia đình món quà gì, cũng không chọn được đi du lịch.
Mọi sinh hoạt và thói quen của bạn cũng không thay đổi nhiều. Những khi rảnh rỗi Trọng Nhân vẫn giữ niềm đam mê cùng trái bóng bấy lâu. Dịp cuối tuần nếu không về gia đình ở Tiền Giang (Nhân hiện đang ôn tiếng Anh tại Tp.HCM), Trọng Nhân thường cùng các bạn học đi đá bóng.
Đỗ vào ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) với điểm số 24,5 nhưng với suất học bổng giành được sau Đường lên đỉnh Olympia, Trọng Nhân hiện chỉ toàn tâm lo cho việc học tiếng Anh.
Sau 4 tháng rèn luyện, Trọng Nhân nói khả năng tiếng Anh của mình đã khá hơn nhiều.
Dự kiến, sau tháng 6 hoặc tháng 7/2015 bạn sẽ sang Úc theo học ngành Công nghệ thông tin của ĐH Swinburne.
Swinburne là ngôi trường yêu thích của các quán quân Olympia các năm. Vì vậy, Trọng Nhân chia sẻ mình không quá lo lắng khi chuẩn bị hành tranh để sắp tới sang đây du học.
Hiện bạn đã liên hệ với các anh chị đi trước để tìm hiểu về văn hóa, phong tục cũng như món ăn ở Úc để khi sang bớt phần bỡ ngỡ.
“Lo lắng lớn nhất của mình là sang đó ít bạn bè và chi phí cho sinh hoạt có thể sẽ rất cao. Nếu được mình sẽ xin ở chung anh chị người Việt đi trước. Tuy nhiên ở ở chung với các bạn quốc tế cũng là lợi thế để hòa nhập nhanh hơn với môi trường xa lạ” – Nhân chia sẻ.
Về kế hoạch dài hạn, Trọng Nhân cho biết trước mắt mình sẽ cố gắng học tốt chương trình đào tạo 4 năm, sau đó sẽ cân nhắc học lên trình độ tiến sĩ. Sau đó, tùy vào hoàn cảnh mới quyết định sẽ đi đâu, làm gì.
- Văn Chung