Kỹ thuật lái xe ô tô lên – xuống dốc an toàn trở thành kỹ năng cần thiết với rất nhiều tài xế khi di chuyển tại những khung đường đèo dốc hiểm trở, cùng tham khảo những bí quyết dưới đây để làm chủ tay lái khi lên – xuống dốc.
Ngay cả với những người nhiều kinh nghiệm, thì việc lái xe lên dốc, xuống dốc và dừng lại tại đoạn dốc luôn là một thách thức. Bởi khi lên xuống - dốc, chỉ một chút sai sót cũng có thể gây ra hậu quả đáng tiếc.
Tránh một số sai lầm khi lái xe lên dốc
Có nhiều tài xế khuyên rằng khi lên dốc bằng số nào thì xuống dốc cũng bằng số đó, tuy nhiên điều này không đúng hoàn toàn, bởi khi bạn lái xe, mỗi con dốc có địa hình khác nhau vì vậy cần có cách xử lý và ứng phó khác nhau.
Bên cạnh đó, khi xe chở quá nặng, các tay lái thường xử lý bằng cách rà phanh liên tục dẫn đến nóng, trơ lì má phanh, thậm chí sôi dầu phanh, khiến cả hệ thống phanh không còn tác dụng, gây mất phanh đột ngột.
Ngoài ra, cần tránh việc đề pha khi lên dốc liên tục mà xe hoạt động không ổn định, trong trường hợp dốc cao sẽ khiến xe chết máy mà cả xe và người bị tuột dốc, không thể kiểm soát, đặc biệt ảnh hưởng đến những phương tiện cũng đang lên dốc phía sau.
Kỹ thuật lái xe lên dốc
Để lên dốc an toàn, bạn cần nắm vững những điều sau:
Khi lên dốc, không nên thả phanh tay mà phải giữ nguyên, đạp hết côn, cho xe vào số 1. Sau khi đạp ga thì bắt đầu nhả côn từ từ, đến khi nào xe hơi rung rung thì mới được nhả phanh tay.
Khi chuyển sang chân ga, bạn không cần đạp mạnh mà chỉ cần đệm 1 chút là xe sẽ tự bò lên dốc một cách nhẹ nhàng mà không có bất cứ vấn đề gì xảy ra.
Tùy vào độ dốc và tải trọng xe mà sử dụng số thích hợp. Với dốc thấp, xe nhẹ, bạn có thể lên dốc với số 1 hoặc số 2.
Khi lái xe lên dốc, nếu bạn cảm thấy sử dụng số xe này động cơ xe bị dư tải thì đừng vội sang số ngay mà hãy tăng tốc xe để xe có đà mà không bị dừng đột ngột.
Chú ý thao tác kỹ thuật “nhanh, nhạy” khi cần giảm số để bò tiếp lên dốc, tránh để kẹt số, số bị dừng lại ở mo (0) làm xe tụt lại, nhất là trường hợp xe chở nặng.
Không nên bám sát xe phía trước, giữ khoảng cách an toàn và phòng trường hợp phanh gấp. Khi leo đèo quá dốc, toàn đá hoặc bùn trơn nên kiếm dây thừng quấn vào bánh xe để tăng độ ma sát.
Kĩ thuật lái xe xuống dốc
Khi xuống dốc mà xe trôi nhanh ngoài ý muốn thì ngay lập tức phải đạp phanh và gạt cần số về số thấp hơn.
Trước khi vào cua, nên giảm tốc độ, bắt đầu vào cua thì quay vô-lăng nhẹ nhàng vừa đủ để chuyển hướng. Theo cảm giác lái và tốc độ vào cua mà quay vô-lăng, tránh quay quá nhiều làm xe bị lắc đuôi, khi hết cua thì từ từ nhẹ nhàng trả lái, tránh trả lái gấp và tuyệt đối không được thả vô-lăng tự quay hoặc xoa.
Với những khúc cua gấp, gập tay áo và có độ dốc lớn, ngoài việc giảm ga trước khi vào cua, người lái cần phải chuyển xuống cấp số thấp để phanh động cơ và khi vào cua, chân ga cũng nên thả lỏng, không đạp ga, sau đó quay vô-lăng để xe chạy theo quán tính, nếu cần có thể phanh nhẹ để giảm tốc độ, để hết dốc cua thì nhẹ nhàng đệm ga và trả lái.
Khi xuống dốc mà gặp đường trơn, mặt đường có nhiều bùn đất, người lái cần thận trọng, cố gắng chạy xe ở tốc độ ổn định, không đánh lái gấp, không phanh gấp, hãy lái xe ở tốc độ thấp nhất có thể, nếu đường có nhiều vũng bùn nước, thì càng phải cẩn thận hơn.
(Theo CafeAuto)