Từ oxy sản xuất sang oxy cứu người

Tháng 4/2021, ông Manoj Gupta ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) trở thành người hùng khi mở cửa nhà máy sản xuất thép và bơm oxy cho người dân với mức giá tượng trưng, rẻ như cho, chỉ 1 rupee/bình oxy 50 lít (khoảng 300 đồng Việt Nam). Thời điểm đó, giá 1 bình oxy cùng dung tích trên thị trường chợ đen lên tới 30.000 rupee (khoảng 9 triệu đồng). Việc làm của ông đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Tổng giám đốc Nhà máy Thép Tân Thuận (quận 7) Nguyễn Khắc Sơn nhớ như in nội dung thông tin đọc được trên về mô hình chuyển đổi một xưởng thép tại Ấn Độ sang hỗ trợ cung ứng oxy trong đại dịch. Lãnh đạo nhà máy dự liệu, nếu tình hình diễn biến xấu, oxy sẽ rất cần thiết tại Việt Nam và thực tế đã như vậy.

Đến khi Bộ Y tế có văn bản về việc chuẩn bị nguồn oxy gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố thì lúc này, Nhà máy Thép Tân Thuận đã sẵn sàng cung cấp oxy miễn phí. Trước đó, doanh nghiệp mất nửa tháng vận hành thử trang thiết bị, oxy công nghiệp trước giờ do đơn vị sản xuất phải điều chỉnh nồng độ thành oxy y tế và đưa mẫu oxy y tế tới kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 trước khi được phép cung cấp giúp đỡ bệnh nhân.

{keywords}
Các nhà máy thép cung cấp oxy miễn phí 

Ngày 29/8, diện tích kho tàng, sân bãi rộng hàng nghìn m2 của doanh nghiệp này chính thức trở thành một trạm ATM oxy miễn phí. Mỗi ngày, trạm ATM oxy quận 7 cung ứng khoảng 500 bình oxy với các kích cỡ dung tích 40 lít, 15 lít, 8 lít.

Theo anh Lâm Quốc Yến - người phụ trách trạm - oxy y tế tại đây chuyển cho hàng loạt địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 7, 8 và huyện Nhà Bè. Oxy phân bổ về các quận, đội ngũ tại cơ sở sau đó chuyển trực tiếp về nhà dân khi có yều cầu qua điện thoại. Hiện, tình nguyện viên thực hiện sinh hoạt ‘3 tại chỗ” trong nhà máy thép để hỗ trợ 24/24 việc nạp oxy.

Trong khi đó, Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSteel đang duy trì hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” song song với việc tách một phần dây chuyền sản xuất lập trạm ATM oxy. Trạm này cung cấp oxy cho TP.Thủ Đức và quận Bình Thạnh. doanh nghiệp cấp tối đa khoảng 300 bình oxy 40 lít/ngày. 

Ông Huỳnh Văn Ngãi, Phụ trách kỹ thuật công ty, thông tin, oxy được đơn vị mua từ Bà Rịa - Vũng Tàu để phục vụ cho quá trình luyện thép. Sau khi có chủ trương mở ATM oxy, đơn vị đưa oxy đi kiểm định luôn đạt nồng độ trên 99,5% và được chứng nhận đủ điều kiện oxy y tế. Toàn bộ chi phí mua oxy, chi phí vận hành nhà xưởng khi nạp, đơn vị hỗ trợ hoàn toàn miễn phí. 

Đại diện Công ty Thép Thủ Đức cho biết, doanh nghiệp chỉ muốn đóng góp chút công sức cho TP sớm vượt qua đại dịch.

Còn mong muốn của Tổng giám đốc Nhà máy Thép Tân Thuận là người dân không cần sử dụng sản phẩm do mình làm ra. Bởi dùng nhiều tức là dịch bệnh vẫn rất khó khăn. “Tôi theo dõi 4-5 ngày nay, số lượng các quận về lấy oxy tại nhà máy ít đi, nhu cầu có vẻ thấp dần. Đó là điều đáng mừng vì đồng bào đã khỏe lên”, ông Nguyễn Khắc Sơn nói.

Chương trình ATM oxy được hình thành bởi sự phối hợp giữa các DN, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Thành đoàn TP.HCM. Chương trình mang trọng trách cung cấp oxy miễn phí cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với việc hỗ trợ oxy miễn phí cho khoảng 4.000 bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày.

Giám sát bình oxy từ xa bằng công nghệ

Sáng 12/9, hệ thống OxyMap cũng đồng loạt triển khai các Trạm oxy tại 32 trạm y tế lưu động tương ứng với 32 phường của TP.Thủ Đức (TP.HCM). Dự kiến số lượng bình oxy cung cấp cho toàn bộ địa bàn tối thiểu từ 400 - 500 bình nhằm hỗ trợ bệnh nhân điều trị, đặc biệt là các bệnh nhân điều trị tại nhà.

Trước đó, dự án cũng đã triển khai từ ngày 26/08/2021, sau 15 ngày hoạt động, đã có 2.500 bình oxy “phủ sóng” 124 trạm oxy tại tất cả các phường, xã của quận 5, 6, 8, 10, 12, quận Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. 

OxyMap vận hành và quản lý bình oxy sử dụng công nghệ. Mỗi bình oxy được gắn một mã QR Code riêng biệt. Nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên tại trạm có thể cập nhật tình trạng của bình. Nhờ vậy, việc điều phối thu/nạp khí cho bình, cũng như điều tiết số lượng bình oxy được hiệu quả. Đội phản ứng nhanh của trung tâm điều hành sẽ tự theo dõi trên hệ thống và mang bình đầy khí đến đổi cho từng trạm. Ngoài ra, toàn bộ thông tin về việc mượn bình oxy, tình trạng bình được thể hiện trên website.

Ông Đặng Thế Hiền – Đồng sáng lập dự án cho biết, hệ thống tận dụng ưu thế của công nghệ để tối ưu hóa vận hành. Mọi người có thể thấy các trạm oxy, từng bình oxy đang nằm ở đâu trên bản đồ, bao nhiêu bình oxy còn trống và số lượng người được hỗ trợ. Điều này tạo tâm lý an tâm cho bệnh nhân và người nhà, không cần phải “tích trữ” bình oxy khi không thực sự cần thiết. 

Trong buổi kiểm tra hoạt động vận hành của trạm ATM oxy TP. Thủ Đức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân, định nghĩa của từ ATM gần như đang được viết lại. Đó không còn là tên của một loại máy mà là hành động hỗ trợ nhau trong thời kỳ khó khăn, tràn đầy tình người và tính nhân văn.

Hình ảnh bên trong các nhà máy thép là trạm ATM oxy:

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 

Trần Chung 

Nguy cơ khan hiếm giả tạo bình oxy y tế

Nguy cơ khan hiếm giả tạo bình oxy y tế

Trước tình hình dịch Covid-19 tăng cao tại một số địa phương, nhiều người dân đã đổ xô đi tìm mua các thiết bị y tế cung cấp khí ô xy để dự trữ nếu chẳng may mắc bệnh.