Theo ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Phú Yên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong ứng dụng CNTT, cũng như trong đảm bảo an toàn thông tin là thiếu kinh phí. Kinh phí sự nghiệp, đầu tư hàng năm cho ứng dụng CNTT quá ít, không đáp ứng được nhu cầu triển khai các dự án CNTT ngày càng đa dạng, phức tạp.

Trong giai đoạn 2011-2015, Nghị quyết của HĐND tỉnh nêu rõ sẽ đầu tư 1-2% ngân sách hàng năm cho CNTT trong các cơ quan nhà nước. UBND tỉnh cũng phê duyệt các đề án đầu tư cho CNTT, về mặt pháp lý đã có đầy đủ. Nhưng thực tế thì hỗ trợ kinh phí chưa đủ tầm, hàng năm tỉnh Phú Yên chi cho CNTT khoảng 0,1-0,2%. Mỗi năm ngân sách của tỉnh chi cho CNTT khoảng 2,5 đến 3 tỷ đồng (bao gồm cả phần cứng và phần mềm, cả các chi phí khác như tiền điện, tiền thuê đường truyền, duy trì trang web của các sở, ban, ngành). Kinh phí thực sự cho CNTT do Sở TT&TT triển khai chỉ xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm.

Mặc dù nguồn kinh phí sự nghiệp rất hạn chế, nhưng hiện vẫn chưa có chủ trương hay cơ chế nào để các cơ quan nhà nước có thể huy động nguồn vốn khác để thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT đã đặt ra. Vì vậy không chỉ đầu tư hạ tầng khó khăn mà ngay cả triển khai các phần mềm dùng chung cũng rất khó khăn do không có kinh phí.

Về nguồn nhân lực CNTT, ông Khánh cho hay, tại các sở, ngành, UBND huyện, thị đều đã bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT (có cả chính thức và kiêm nhiệm) nhưng vai trò của các cán bộ CNTT còn chưa được rõ ràng. Đặc biệt là các cán bộ tin học ở cấp xã, phường còn chưa có hoặc có thì năng lực còn yếu, điều này gây khó khăn rất lớn cho một số đề án, dự án CNTT triển khai từ tỉnh đến xã.

Ông Khánh cho hay, nguồn nhân lực CNTT ở Phú Yên có nhiều nhưng toàn đi các nơi khác để làm việc nên đội ngũ CNTT tại chỗ lại thiếu. UBND tỉnh Phú Yên cũng chưa có quy định về hệ số phụ cấp thêm cho cán bộ CNTT nên sức thu hút lao động trong lĩnh vực này rất yếu.

Ông Lê Tỷ Khánh đề nghị, Phú Yên đang sử dụng tới 55% nguồn vốn cấp từ Trung ương. Do vậy, rất mong Bộ TT&TT có chính sách hỗ trợ kinh phí để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giai đoạn tới đây.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng CNTT, Sở TT&TT Bình Định cho hay, việc xây dựng hạ tầng CNTT tại các cơ quan nhà nước trong tỉnh không đồng bộ vì nguồn kinh phí đầu tư vào tỉnh rất khó khăn. Có năm được khoảng 2 tỷ đồng, có năm 3-4 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, kế hoạch chi cho CNTT của UBND tỉnh phê duyệt là 30 tỷ đồng, nhưng hàng năm không được cấp đủ. Tổng đầu tư cho CNTT tại tất cả các cơ quan nhà nước trong giai đoạn này chỉ hơn 20 tỷ đồng, cả phần cứng và phần mềm.

Chính vì nguồn kinh phí đầu tư nhỏ giọt nên mỗi năm thiết bị đầu tư một loại, không đồng bộ. Tại các huyện, tỉnh chỉ đầu tư phần mềm còn giao cho địa phương đầu tư hạ tầng nhưng một số huyện không ưu tiên kinh phí cho đầu tư hạ tầng CNTT dẫn đến phần mềm triển khai về cũng không thể ứng dụng được, rất lãng phí.

Về nguồn nhân lực CNTT, khâu tuyển dụng không khó khăn bởi tại Quy Nhơn có trường đại học, cao đẳng có đào tạo về CNTT. Tại Bình Định có chính sách tăng thêm hệ số lương 0,3 hàng tháng cho cán bộ CNTT, tuy nhiên cũng không hấp dẫn khi tình trạng cán bộ CNTT xin nghỉ việc trong cơ quan nhà nước ở cấp huyện diễn ra khá thường xuyên.

Ông Bình cho hay, cán bộ quản trị mạng ở các huyện liên tục bị thay đổi vì ít việc làm xuất phát từ việc chưa đầu tư nhiều cho ứng dụng CNTT. Khi tuyển dụng thì tuyển chuyên trách, nhưng sau đó giao thêm việc kiêm nhiệm ở văn phòng. Sau một thời gian thì nhiều người thấy không hứng thú chuyển ra doanh nghiệp ngoài làm lương cao hơn. Ngay tại TP Quy Nhơn cũng có nhiều cơ quan nhà nước bị “chảy máu” nhân lực CNTT.

Ông Bình kiến nghị, để triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT và Trung ương cần phải cân đối nguồn kinh phí để các địa phương ứng dụng CNTT: “Muốn ứng dụng tốt phải có đủ tiền, không có tiền thì dù có quyết tâm mấy cũng rất khó”.