Đại hội tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2019 - 2024; đồng thời tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của các điển hình người dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi, khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường, thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Bình Dương hiện có 28 dân tộc thiểu số với hơn 24.000 người. Trong 5 năm qua, tỉnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác dân tộc, chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước đưa chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.
Cùng với nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Dương còn tích cực tham gia vào hoạt động đoàn thể, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng các dân tộc anh em, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà biểu dương những đóng góp tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số vào thành tựu của tỉnh thời gian qua. Đồng thời khẳng định, tỉnh Bình Dương luôn đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng các dân tộc thiểu số, các sở, ngành, địa phương phải quan tâm, thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, thiết thực chăm lo, nâng cao cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà chúc mừng những thành tựu Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt ghi nhận và tôn vinh tinh thần đoàn kết, nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, đã chung sức, đồng lòng góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, bà Nông Thị Hà đề nghị tỉnh cần tiếp tục nỗ lực trong công tác chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của đồng bào, vun đắp cho tinh thần đoàn kết các dân tộc mãi trường tồn.
Tại Đại hội, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh thời gian qua đã được ghi nhận, biểu dương. Theo đó, có 5 cá nhân vinh dự nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc"; 1 tập thể, 5 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và 13 tập thể, 20 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 28.000 đồng bào của 24 dân tộc thiểu số đang sinh sống gồm: Hoa, Khmer, Tà Mun, Châu ro, Sán Chay (bao gồm cả hai dân tộc thuộc nhóm Sán Chay là Sán Chỉ và Cao Lan), Ba Hi, Dao, Ê Đê, Pako, Raglai, Mán, Sán Dìu, Thái (Thanh), Chăm, Tày, Thổ, Nùng (và một nhánh là Nùng Phàn Sình), Mường, Stiêng... Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Hoa với 19.366 người, dân tộc Khơme 3.513 người, ít nhất là dân tộc Gia Rai, H'Re, K'Ho, Lào có 1 người. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương hầu hết sống đan xen và hòa nhập với người Kinh. Riêng ba đồng bào dân tộc thiểu số sống tương đối tập trung là người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng; cộng đồng người Sán Chỉ tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo và người Hoa sống tại thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An và huyện Dầu Tiếng.... |
Ngô Huyền