Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam bộ. Theo số liệu chính thức của cuộc điều tra 53 dân tộc thiểu số (DTTS) vào thời điểm 01/4/2019, tổng số người dân tộc thiểu là 195.635 người, chiếm 19,67% dân số cả tỉnh. Toàn tỉnh có 41 thành phần dân tộc thiểu số gồm: S’tiêng, Khmer, Mnông, Tày, Nùng, Hoa, Giẻ Triêng, Cơ tu....

Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Phước rất đa dạng và phong phú. Ngoài ngôn ngữ chung là tiếng Việt, mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ giao tiếp riêng, một số dân tộc đã có chữ viết từ khá sớm. Tuy nhiên, nhiều tiếng nói và chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số đang bị mai một dần.

Từ bộ tài liệu giảng dạy tiếng Sêtiêng đến Chương trình tiếng Xtiêng trên sóng phát thanh và truyền hình 

Xác định, bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, song song với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 135,134, Chương trình quốc gia về mục tiêu văn hóa, tỉnh Bình Phước đã và đang từng bước tạo ra bước phát triển mới trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là động lực quan trọng trong việc đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là một trong những nhiệm vụ lớn mà tỉnh đang chú trọng.

Từ năm 2007, tỉnh đã hoàn thành bộ tài liệu giảng dạy tiếng Sêtiêng cho cán bộ, công chức trong tỉnh. 

Theo chương trình khung của Bộ Giáo dục- Đào tạo, chương trình giảng dạy tiếng dân tộc Sêtiêng được xây dựng theo 10 chủ đề, mỗi chủ đề gồm một số bài học cụ thể và mỗi bài học có bốn phần: Bài đọc, từ ngữ- ngữ pháp, luyện nghe- nói và luyện viết.

Bộ tài liệu được biên soạn thành hai phần chính, gồm: Giới thiệu chữ cái và cách phát âm, phần hai gồm 10 chủ đề (về Đảng, Bác Hồ, gia đình, dòng tộc, làng, bản, thôn ấp, thiên nhiên, môi trường, văn hóa dân tộc Sêtiêng, lao động, sản xuất, chăm sóc sức khỏe) với 68 bài và phần bài học tham khảo với 9 bài chủ yếu là những truyện kể dân gian về con kiến, con chuột, truyện trẻ mồ côi làm nhà...

Năm 2008, Hội đồng Khoa học tỉnh Bình Phước đã nghiệm thu đề tài khoa học “Xây dựng hệ thống chữ viết tiếng Xtiêng và biên soạn từ điển đối chiếu Xtiêng-Việt, Việt-Xtiêng”. đề tài do Tiến sĩ Lê Khắc Cường, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, làm chủ nhiệm, đã hệ thống chữ viết tiếng Xtiêng mới gồm có 38 chữ cái, trong đó 15 chữ cái ghi nguyên âm và 23 chữ cái ghi phụ âm. Từ điển Việt-Xtiêng có 6.500 từ và ngữ cố định của tiếng Việt được đối dịch ra từ ngữ tương đương tiếng Xtiêng; từ điển Xtiêng-Việt có gần 5.000 từ và ngữ cố định của tiếng Xtiêng được đối dịch ra từ ngữ tương đương tiếng Việt. Bộ từ điển gồm những lớp từ cơ bản và những từ ngữ được sử dụng phổ biến, thông dụng của đồng bào dân tộc Xtiêng.

Tháng 3/2021, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã chủ trì Hội thảo thống nhất lấy ý kiến tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương điều chỉnh cách viết, cách gọi tên thành phần dân tộc Xtiêng hay S’tiêng. Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước với cách gọi và thể hiện trên văn bản, thủ tục hành chính hai danh từ chưa thật sự thống nhất, lúc thì Xtiêng, có lúc thì S’tiêng, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch, quản lý nhân sự, con người… 

Thời gian qua, Chương trình tiếng Xtiêng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Phước đã làm tốt công tác đưa thông tin tuyên truyền từ tỉnh đến với cơ sở, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Xtiêng trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong giáo dục phổ thông

Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, năm ngoái UBND Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND triển khai Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bồi dưỡng tình yêu tiếng nói, chữ viết tiếng DTTS cho học sinh DTTS nhằm giúp học sinh có ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giúp học sinh phát triển kỹ năng sử dụng tiếng DTTS nghe, nói, đọc, viết, mở rộng hiểu biết về văn hóa của đồng bào DTTS, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc và ý thức công dân. Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tiếng DTTS đảm bảo mục tiêu phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Triển khai và sử dụng sách giáo khoa (SGK), tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với các tiếng DTTS được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) biên soạn hoàn thành. Trong đó, trang bị đầy đủ SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với các tiếng DTTS đã được ban hành chương trình môn học; đảm bảo đủ 100% SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với các tiếng DTTS được Bộ GD&ĐT biên soạn hoàn thành trên địa bàn tỉnh. Vận dụng linh hoạt chương trình SGK giảng dạy các tiếng DTTS của Bộ GD&ĐT phù hợp với địa phương.

Tăng cường hoạt động Hội đồng bộ môn tiếng DTTS cấp tiểu học và các trường TH&THCS nhằm tư vấn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có giáo viên dạy tiếng DTTS đối với những tiếng có số lượng học sinh tiểu học đủ để thành lập lớp, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng DTTS được bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Đồng thời, đến năm 2030, tiếp tục thực hiện chương trình dạy học tiếng DTTS tại các vùng có đủ học sinh tiểu học thành lập lớp học; bảo đảm đủ 100% SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học đối với các học sinh học tiếng dân tộc thiểu số. Phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng DTTS có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% CBQL giáo dục có liên quan về dạy học tiếng DTTS được bồi dưỡng nâng cao năng lực. Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình dạy học tiếng DTTS cho học sinh DTTS bậc tiểu học khi Bộ GD&ĐT ban hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với những tiếng DTTS có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình là xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai; kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả; tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Kế hoạch; tham mưu ban hành các cơ chế chính sách; rà soát mua sắm, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp trong các cơ sở giáo dục; bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, học liệu phù hợp; thiết kế và triển khai chương trình trên các phương tiện thông tin; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ em người DTTS; hướng dẫn xây dựng môi trường tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục tiểu học có học sinh người DTTS; hướng dẫn sử dụng phần mềm dạy tiếng DTTS do Bộ GD&ĐT thiết kế…

UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, xây dựng kế hoạch tập huấn, triển khai cách sử dụng SGK, tài liệu giảng dạy tiếng DTTS cho toàn thể giáo viên dạy học tiếng DTTS tại các trường phổ thông (có dạy tiếng DTTS) và các trường phổ thông dân tộc nội trú. Đề xuất Bộ GD&ĐT khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích trong việc nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS; tổ chức góp ý chương trình, nội dung SGK, tài liệu dạy học tiếng DTTS.

Với những chiến lược bài bản đó, tỉnh Bình Phước đã có nhiều thành tựu trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, nhờ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phước Long