Trong tổng số 85 hồ sơ sản phẩm được các tỉnh, thành phố trình Trung ương đề nghị công nhận cấp 5 sao thì ngày 17-5 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 tổ chức họp, đánh giá, chấm điểm phân hạng chỉ có 19 sản phẩm đủ điều kiện công nhận.

Trong đó, tỉnh Bình Phước có sản phẩm “Hạt điều rang muối”, “Hạt điều nguyên vị” và “Hạt điều nhân trắng” của Công ty cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đủ điều kiện.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Phước có sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Ảnh minh họa

Bình Phước được xem là “thủ phủ điều” của Việt Nam với diện tích và sản lượng điều lớn nhất cả nước. Cây điều của Bình Phước đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Trong những năm qua tỉnh Bình Phước chuyển hướng tập trung đầu tư sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Trên địa bàn Bình Phước hiện có hơn 1.400 cơ sở chế biến, kinh doanh hạt điều; toàn ngành điều của Bình Phước giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Mỗi năm tổng giá trị của ngành điều Bình Phước mang lại đạt trên 33.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Sở Công Thương tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới thuộc đề án khuyến công quốc gia tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh (thuộc xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng).

Mô hình xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều và thực hiện có hiệu quả Nghị Quyết số 11 của Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển ngành điều giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, tổng giá trị gia tăng ước tính của cây điều, bao gồm cả khâu chế biến cộng với lượng điều được nhập khẩu thì cụm ngành điều đang tạo ra hơn 10% GRDP toàn tỉnh.