Tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho nông sản

Những năm gần đây, Bình Phước đã và đang trở thành tỉnh có nền kinh tế trẻ, năng động trong khu vực Đông Nam Bộ. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng đúng xu hướng phát triển của vùng. Từ đó tạo sự liên kết chặt chẽ, trở thành thành phần kinh tế không thể thiếu trong khu vực.

Ngoài sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, dịch vụ thì nông nghiệp được xem là trụ cột kinh tế vững chắc, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.

Xác định nông nghiệp là một trong các trụ cột chính trong hệ thống kinh tế của tỉnh, những năm gần đây, Bình Phước triển khai đồng bộ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Cùng với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành đi vào thực chất, hiệu quả hơn, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, quy mô và trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa được nâng cao trên cơ sở phát huy các lợi thế vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

hotieu.png
Hồ tiêu Bình Phước

Để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho nông sản của tỉnh, ngày 16/12, Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản” trên địa bàn tỉnh.

Phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thị trường thường xuyên

Theo đó, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin, số hoá và hoàn thành thu thập, thông tin, dữ liệu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp, phục vụ xây dựng kho dữ liệu nhằm phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản chủ lực, địa phương của tỉnh và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.

Tham gia hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về Trung tâm dữ liệu tập trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống. Thường xuyên cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cho các co quan quản lý nhà nước các cấp, các tô chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã.

Đồng thời, định hướng đến năm 2030, ứng dụng hiệu quả các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật...) trong thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã có thể tìm kiêm, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản (trừ dữ liệu mật) trên môi trường mạng Internet hoặc cổng cung cấp dữ liệu mở của ngành, tỉnh.

Phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; thu hút được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường nông sản. Phát triên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông sản.

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Ứng dụng và vận hành Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp và PTNT (data warehouse/kho dữ liệu) chuyên sâu, phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh; hợp tác, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; ứng dụng quy trình vận hành hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản, thống nhất ở các cấp, ngành; theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, dự báo tình hình thị trưòng nông sản.

Nguyễn Lê và nhóm PV, BTV