Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bình Phước đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức.
Dự kiến năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế Bình Phước đạt 7,25%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực, với 17/22 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tăng trưởng kinh tế đạt 8,34%, cao nhất vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 trong cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người ước đạt ước đạt 93,94 triệu đồng/người, tăng 11,8% so với năm 2022, đạt 100,8% kế hoạch; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 35.001 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4.180 triệu USD, đạt trên 100% kế hoạch; sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm 2022. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh theo hướng quy mô lớn, trang trại công nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 277% so với kế hoạch năm…
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế cũng như đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tháng cuối năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tập trung nhiều giải pháp; trong đó, thực hiện 3 đột phá về xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính; phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng,
Ngoài ra, Bình Phước xác định thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương; kịp thời đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp là khâu then chốt.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, 3 tháng còn lại của năm 2023, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ gồm: Chuẩn bị nội dung cho hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, kỳ họp HĐND chuyên đề và kỳ họp cuối năm; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kế hoạch 306 của UBND tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhà nước trên địa bàn.
Từ những kết quả đã đạt được, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với 22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vững chắc.
Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8 - 8,5% so với năm 2023; thu ngân sách là 12.739,600 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2023; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 38.500 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Những chỉ tiêu đề ra thể hiện sự quyết tâm cao của UBND tỉnh, trách nhiệm của các ngành, các địa phương trong tỉnh, nhất là trong bối cảnh còn tiềm ẩn những khó khăn, rủi ro của kinh tế toàn cầu.