Nhiều khách hàng tức giận và mất lòng tin vì Bphone tiếp tục trễ hẹn. Trước cơn khủng hoảng, công ty này vẫn án binh bất động và chưa ra lời giải thích.

Một ngày sau tuyên bố: "3/7 sẽ giao Bphone cho hầu hết khách hàng ở Hà Nội", vẫn chưa người dùng nào nhận được sản phẩm. Công ty này trễ hẹn lần thứ 4 và hiện giữ thái độ im lặng trước phản ứng giận dữ của khách hàng.   

Anh Đào Văn Toàn (Phố Huế, Hà Nội) cho biết, anh đặt mua 5 chiếc Bphone từ 2/6. Đến nay, hãng 2 lần gọi điện báo chậm giao hàng, nhưng lần này không thấy bất cứ thông tin nào khác. Đến nay, anh Toàn dự đoán có thể Bkav đã tự động hủy đơn hàng.

{keywords}
Bphone hiện chỉ đến tay một vài khách hàng ở Hà Nội. Bkav cho biết công ty sẽ thu hồi máy đã giao để cải thiện module camera và cập nhật cho tất cả những máy sắp giao cho khách.

Anh Toàn cho biết, mình vẫn có thể kiên nhẫn chờ đợi nếu hãng đưa ra thông tin chính xác về ngày giao hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này Bkav không có lịch hẹn cụ thể. Ngoài ra, với những người chọn đặt tiền trước, đây là điều khó chấp nhận. “Việc này giống như họ mượn vốn của người dùng để kinh doanh”, anh này nhấn mạnh.

Theo anh Toàn, đang có rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng trong việc đặt hàng, giao máy của Bkav. Chẳng hạn, đã một tháng từ ngày hẹn giao, chỉ có một số lượng máy nhỏ giọt đến tay khách hàng. Anh dự đoán, có thể Bphone chưa hoàn thiện, vẫn ở trạng thái thử nghiệm nên chưa thể đưa ra thị trường.

Với cương vị là một người làm kinh doanh, anh Toàn cho hay, đây là điều tối kỵ. Việc hứa hẹn nhiều lần mà không giao hàng chứng tỏ năng lực yếu kém của đơn vị kinh doanh, khiến hình ảnh họ xấu đi trong mắt khách hàng. Tuy nhiên, anh khẳng định, không thể nói Bkav coi thường khách hàng vì bản thân họ cũng không muốn tình trạng chậm hàng xảy ra. 

Trên các diễn đàn, mạng xã hội và các nhóm người dùng từng ủng hộ Bphone, không thành viên nào cho biết đã nhận được máy trong ngày 3/7.

Quan sát Bkav và Bphone, những người làm truyền thông tại Việt Nam cũng nhìn nhận việc công ty này "án binh bất động" vào thời điểm hiện tại là một điều không nên trong xử lý khủng hoảng. 

"Với tư cách là một người đã từng làm cho hãng điện thoại, tôi thấy bộ phận của truyền thông của Bkav đã làm tốt vai trò của mình, vì họ cũng chỉ có trách nhiệm chuyển tải ý kiến của lãnh đạo công ty ra bên ngoài", ông Trần Việt Quân, hiện đang làm việc tại một công ty công nghệ tại TP HCM chia sẻ. "Nhưng xét về tổng thể, cách Bkav ứng xử với khách hàng là sai, vì đã trễ hẹn đến bốn lần và lãnh đạo công ty không đưa ra lời xin lỗi kịp thời".

Theo ông Quân, Bkav gặp khủng hoảng và nguyên nhân sâu xa đến từ sản phẩm. "Nhiều khả năng Bphone đang gặp vấn đề lớn khiến họ chưa thể giao hàng kịp cho khách dù đã nhiều lần hứa hẹn. Họ đã 'nổ' quá xa so với thực tế". Chuyên gia này cho rằng, Bkav cần chủ động email xin lỗi và có thêm những động thái cụ thể để xoa dịu người dùng, tránh gây hiệu ứng ngược khiến những người từng ủng hộ Bphone quay lưng lại với sản phẩm.

Theo đại diện một nhà bán lẻ tại TP HCM, việc chậm trễ giao hàng không phải hiếm trên thị trường di động. Năm ngoái, Asus từng liên tục hoãn bán Zenfone trong lần đầu tham gia thị trường di động. Tuy nhiên, họ nhanh chóng tổ chức sự kiện riêng sau đó, xin lỗi người dùng ở Đài Loan về việc chậm trễ và chính sách giá chưa phù hợp. Người này cho rằng, Bkav có thể tham khảo cách làm từ Asus, nếu như họ muốn tiếp tục tham gia vào thị trường mobile.

Theo nhiều chuyên gia, việc Bphone chậm trễ có thể đến từ sản phẩm. Bkav vẫn chưa hoàn thiện phần mềm, tính năng bên trong máy, do đó, hãng chưa muốn đưa máy tới tay người dùng. "Thị trường di động hiện đã được đẩy lên cao cả mặt bằng sản phẩm lẫn cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong nhóm cao cấp. Bphone muốn tham gia sân chơi này, Bkav buộc phải tuân thủ luật về chất lượng", anh Huỳnh An, Quản lý một hệ thống di động tại TP HCM nhận định.

Theo Duy Nguyễn - Thành Duy/Zing