Trả lời tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp vào chiều 27/11 liên quan đế lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cho biết, việc bỏ những thủ tục liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi của người dân và cơ quan quản lý.

Vì vậy, tinh thần là phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia một số thủ tục hành chính. 

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực

 

Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 38 điều và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2021.

Sau khi luật có hiệu lực thi hành thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp.

Đồng thời, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Ông Hải cho rằng, việc Bộ Công an dự báo đến hết năm 2022 mới có thể bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu là đã có tính toán phù hợp với điệu kiện, hoàn cảnh. Hiện, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực đang tiếp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) để lấy dữ liệu liên quan đến hộ tịch và quốc tịch.

"Họ đang rất khẩn trương làm dữ liệu quốc gia về dân cư ổn định, chính xác để các ngành khác kết nối. Bây giờ chúng tôi trả lời là mốc này có phù hợp hay không thì cũng khó chính xác. Bản thân chúng tôi cũng mong muốn hoàn thành sớm theo Luật Cư trú chứ không phải chờ đến 2022", ông Hải nói.

Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thông tin thêm, đợt một, C06 cử đoàn 10 người nhưng đợt sau họ cử đến 30 người để đẩy nhanh hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc này để đảm bảo làm sao cho thông tin trong dữ liệu quốc gia về dân cư phải thật sự chính xác.

Còn về lộ trình bỏ các thủ tục hành chính yêu cầu sổ hộ khẩu, theo ông Hải, Cục đã dự báo và liệt kê có 37 thủ tục yêu cầu sổ hộ khẩu và 5 thủ tục liên quan đến quốc tịch. Cục đã liệt kê và có kế hoạch sửa đổi phù hợp.

Nguyên tắc của Việt Nam là một quốc tịch

Trả lời câu hỏi về trường hợp ông Phạm Phú Quốc, nguyên ĐBQH đoàn TP.HCM có 2 quốc tịch, trong đó có quốc tịch Síp, ông Hải cho hay, việc đảm bảo nguyên tắc 1 quốc tịch là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

“Bản thân cán bộ, đảng viên phải chân thực, minh bạch. Ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch đó là trách nhiệm của ông ấy, cán bộ phải có thông tin với cơ quan quản lý mình. Đối với luật, nguyên tắc của Việt Nam là một quốc tịch. Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận công dân có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch thứ 2”, ông Hải khẳng định.

Tại kỳ họp 10 vừa qua, Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc vì đã không trung thực trong việc báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân.

Thu Hằng

Chính thức bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2022

Chính thức bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2022

Với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó có quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã định danh cá nhân.