Iron Man là bộ phim mở màn cho MCU và góp phần không nhỏ đưa cái tên Marvel Studios lên bản đồ điện ảnh thế giới. Ra mắt vào năm 2008, bộ phim này đã thổi 1 làn gió mới vào dòng phim khoa học viễn tưởng nói chung, và siêu anh hùng nói riêng tại thời điểm đó giờ.
Thành công ngoài sức tưởng tượng của Iron Man không chỉ giúp Marvel Studios lọt vào mắt xanh của Disney, mà còn là bước ngoặt giúp Robert Downey Jr. trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới sau nhiều vụ bê bối cá nhân trước đó. Anh đóng vai trò linh hồn cho vũ trụ điện ảnh rộng lớn này trong 1 thập kỷ tiếp theo, trước khi nhận cái kết bi tráng nhất trong Avengers: Endgame, công chiếu vào năm 2019 vừa qua.
Tuy nhiên, là người tiên phong cho MCU đồng nghĩa với việc Iron Man cũng phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các phần phim sau này, đặc biệt là về phần công nghệ, kĩ xảo. Được biết tại thời điểm năm 2008, Marvel Studios có quy mô vẫn còn tương đối nhỏ, và chi phí sản xuất cho mỗi dự án là không cao. Vì vậy, họ luôn hạn chế sử dụng công nghệ CGI, vốn rất đắt đỏ ngay cả ở thời điểm hiện tại, và tận dụng mọi đạo cụ khi có thể.
1 trong số đó chính là chiếc mũ sắt quen thuộc của Tony Stark mỗi khi anh “lên đồ”. Trong những phần phim sau này, gần như toàn bộ phần giáp của Stark đều được thực hiện bởi kĩ xảo máy tính. Nhưng trong Iron Man 1, Robert Downey Jr. đã phải đội nguyên 1 chiếc mũ vừa to, vừa bí bách và khiến anh không thể trông thấy bất cứ điều gì đang diễn ra ở xung quanh mình.
Trong buổi phỏng vấn với David Letterman trong chương trình My Next Guest Needs No Introduction, Robert đã có những chia sẻ về kỷ niệm khi anh lần đầu tiên được vào vai Người Sắt trên màn ảnh lớn. Nam diễn viên cho biết anh gần như đã “mù hoàn toàn” khi đội chiếc mũ mà đội ngũ designer thiết kế riêng cho anh để phục vụ quá trình quay phim.
“Ban đầu, mọi thứ đều là đạo cụ thực tế, bởi họ muốn tiết kiệm chi phí nhất có thể nên không lạm dụng CG. Tôi còn nhớ rất rõ chiếc mũ này, khi tôi đội nó lên, đóng kín khuôn mặt là tôi không còn thấy gì nữa. Tiếp đến, 2 chiếc đèn LED ở phần mắt sáng lên, khiến tôi trở nên mù hoàn toàn”, Robert chia sẻ.
Nam diễn viên cho biết đó là 1 trải nghiệm để đời mà anh không bao giờ muốn trải qua nữa. Nếu Marvel Studios yêu cầu anh đội mũ Iron Man để quay Avengers: Endgame, chắc chắn anh sẽ từ chối. Robert tiếp tục: “Khi chúng tôi ghi hình phần Avengers cuối cùng, Marvel Studios đã hỏi tôi: “Robert này, anh đội cái này lên nhé?”, và tôi chỉ trả lời: “Cái mũ á? Không! Cho tôi xin 2 cái chấm vào đây (ý chỉ công nghệ motion-capture để bắt chuyển động trên khuôn mặt của diễn viên), rồi mọi người muốn tô vẽ thế nào cũng được”.
Thay vào đó, chiếc mũ này sẽ được thêm vào với CGI trong khâu hậu kỳ, giống như bộ giáp của Người Sắt vậy. Theo thời gian, những mẫu giáp mà Tony Stark tạo ra ngày càng biến hóa, phức tạp hơn, khiến đội ngũ designer không còn theo kịp. Vì vậy, việc sử dụng kỹ xảo máy tính là điều không thể tránh khỏi để có thể tạo ra 1 sản phẩm chân thực nhất, đặc biệt là trong những cảnh phim bộ giáp tự động bao bọc quanh cơ thể của Stark.
Với việc Iron Man chính thức “bỏ cuộc chơi” sau trận tử chiến với Thanos trong Endgame, giờ đâu câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người đủ kiến thức và tiềm lực kinh tế để tiếp quản những bộ giáp mà anh để lại. Và liệu khán giả có còn được chứng kiến những màn “lên đồ” siêu mượt mà trên màn ảnh lớn nữa hay không? Trước đó, đích thân Robert Downey Jr. đã khẳng định mối lương duyên giữa anh với vai diễn Người Sắt đã kết thúc, dập tắt mọi hy vọng của fan hâm mộ về việc anh sẽ trở lại thông qua thuyết vũ trụ song song. Tuy nhiên, với 1 studio hay “lừa” fan như Marvel, không điều gì là không thể, và chắc chắn họ vẫn đang ấp ủ nhiều bất ngờ hơn nữa trong các dự án tương lai của MCU.
Theo GenK