- “Không phải thiếu minh bạch hay có cái gì đấy chèn ép việc kinh doanh vận tải trên hệ thống phần mềm Uber”.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa với Tổ công tác của Thủ tướng tại buổi làm việc sáng 21/3.
Bộ trưởng Nghĩa yêu cầu Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc giải trình thêm.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc |
Trao đổi với báo chí ông Ngọc cho biết thời gian qua, có khoảng 20 loại phần mềm khác nhau tương tự như phần mềm của Uber và Grab với mục đích chính là kết nối nhanh hơn giữa lái xe với người có yêu cầu.
"Phần mềm này chỉ thay thế cho việc dùng hệ thống bộ đàm để kết nối của các hãng taxi trước đây nhưng đã mang lại hiệu quả tốt. Theo báo cáo của Grab là đã giảm lượng xe chạy rỗng, xe có khách chiếm tới 88 – 89%", ông Ngọc nói.
Do đó, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam xây dựng phần mềm tương tự và đã báo cáo Bộ cho thí điểm. Bên cạnh Grab, hiện có 4 đơn vị kinh doanh vận tải cũng đã xây dựng phần mềm tương tự và đang thí điểm.
Do Uber chưa hoàn thiện đề án
Ông Ngọc cũng cho hay, trước khẳng định của Uber là không kinh doanh vận tải mà chỉ cung cấp phần mềm, Bộ GTVT đã đề nghị Uber ứng dụng phần mềm đó vào các đơn vị kinh doanh vận tải được cấp phép. Các xe này đều phải có hợp đồng theo đúng Luật định.
Sau đó, Uber có đề án đề nghị Bộ cho phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và kết nối vận tải xe hợp đồng, Bộ GTVT đã xin ý kiến của các bộ, ngành trên tinh thần ủng hộ và khuyến khích.
Tuy nhiên, trong đề án còn có một số điểm cần hoàn thiện thêm. Bởi, bản chất của việc thí điểm này là hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng giấy nên giao diện của hợp đồng điện tử phải chỉnh sửa sao cho đầy đủ nội dung như hợp đồng bằng giấy.
"Điều này Uber chưa triển khai được. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Uber cũng như của đơn vị kinh doanh vận tải như thế nào đối với hành khách khi có khiếu nại cũng chưa được làm rõ trong đề án", Vụ trưởng Vụ Vận tải giải thích thêm.
Vì vậy Bộ GTVT một mặt có văn bản hướng dẫn, giải thích rất rõ với Uber, mặt khác, bộ đã 2 lần gặp gỡ với đại diện Uber để trao đổi. Uber thừa nhận đề án của họ còn một số vấn đề cần phải làm rõ và bổ sung thêm và hứa trong thời gian ngắn nhất sẽ hoàn thiện đề án để báo cáo Bộ.
Nói về sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải, khi một số tuyến đường xe taxi bị cấm nhưng xe hợp đồng như Uber, Grab vẫn được đi vào, ông Ngọc khẳng định: "Bản thân Uber và Grab không tạo ra loại hình vận tải mới mà chỉ ứng dụng phần mềm đó vào các loại hình vận tải taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ nên không thay đổi điều kiện kinh doanh vận tải".
Hầu hết xe Uber đều không có hợp đồng
Theo ông Ngọc, trước khi có Uber và Grab, đã có những xe hợp đồng. Khi đưa phần mềm vào để kết nối nhanh hơn, thay cho bộ đàm thì không ảnh hưởng gì đến bản chất của kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, đối với các Sở GTVT, bên cạnh cắm biển báo không cho taxi vào cung đường đó thì cần có biển phụ cấm không cho xe hợp đồng đi vào, và xe hợp đồng đó có thể nhận diện thông qua biển hiệu và phù hiệu của xe dán trước kính.
"Theo quy định của Luật, phần mềm Uber buộc phải đưa vào kết nối với xe hợp đồng, hoặc xe taxi. Nếu Uber đưa vào đối tượng thiếu các giấy phép kinh doanh vận tải hoặc xe không có phù hiệu sẽ là vi phạm Nghị định 46 và sẽ bị xử phạt rất nặng", Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết.
Tuy nhiên, ông Ngọc cũng nêu thực tế, hầu hết xe Uber đều không có hợp đồng. Chính vì vậy trong thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các Sở GTVT phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để xử phạt các xe vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.
Ông Ngọc cũng khẳng định việc kiểm tra không khó nhưng cái quan trọng là "chúng ta có kiểm tra hay không”. "Bắt và xử phạt theo đúng tinh thần Nghị định 46 thì sẽ đủ sức răn đe", ông Ngọc khẳng định.
Thu Hằng