- "So với bản cũ, dự thảo Hiến pháp đưa ra lấy ý kiến nhân dân có thêm một điểm mới là không quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo", Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói tại hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Các thành phần kinh tế bình đẳng và cạnh tranh
Trong bản thuyết minh chi tiết về những điểm mới trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho hay, thay vì ấn định "kinh tế nhà nước là chủ đạo" như dự thảo cũ, bản dự thảo mới sửa đổi nội dung về chế độ kinh tế như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” (điều 54).
Hiến pháp sửa đổi ghi rõ các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Ảnh minh họa: Bình Minh |
Dự thảo cũng xác định vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
Mặt khác, Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định quyền tự do kinh doanh, làm rõ tài sản công, trong đó có đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Ông Uông Chu Lưu giải thích, quy
định nói trên về chế độ kinh tế vừa bám sát nội dung của Cương lĩnh, vừa phù hợp
với tính chất quy định của Hiến pháp. Tên gọi và vai trò của từng thành phần
kinh tế cụ thể sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà
nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và trong QH, có một số ý kiến đề nghị nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hội đồng Hiến pháp sẽ thổi còi văn bản vi hiến
Cũng theo bản thuyết minh của Ủy
ban sửa đổi Hiến pháp, dự thảo đã bổ sung 3 điều mới quy định về 3 thiết chế
hiến định độc lập gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán
Nhà nước.
Ông Uông Chu Lưu giải thích, những nội dung mới này nhằm làm rõ hơn chủ quyền nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN.
Việc bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp được cho là để thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng IX, X và XI về việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Dự thảo quy định QH thành lập Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng và số lượng thành viên, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm kỳ của thành viên sẽ theo luật định.
"Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một bước cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đồng thời có một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp chính là tạo thêm một phương thức mới, bổ sung một công cụ để Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, bảo vệ các giá trị của nền dân chủ XHCN và chủ quyền nhân dân", Phó Chủ tịch QH giải thích.
Dự kiến, Hội đồng Hiến
pháp sẽ có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật
do QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, Thủ tướng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
Đồng thời, Hội đồng cũng sẽ được giao chức năng kiến nghị QH xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi hiến. Hội đồng cũng có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi hiến...
Ông Uông Chu Lưu cho biết, qua
thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế
bảo vệ Hiến pháp hiện hành của Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, nhiều ý kiến khác
lại đề xuất thành lập Tòa án Hiến pháp, thậm chí có ý kiến cân nhắc
không nên lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.
Lê Nhung
Mời bạn đọc theo dõi các bài viết về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/sua-hien-phap/ Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn. |