- Xung quanh việc nhiều cán bộ, công chức bỏ giờ làm đi dự tiệc tại nhà Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Vậy căn cứ nào là cơ sở xử lý các vi phạm?
Vi phạm luật Cán bộ công chức
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: trước hết cần xác định những cá nhân nào trong đoàn đến dự tiệc nhà Giám đốc Sở là cán bộ công chức, cá nhân nào không phải là cán bộ công chức để có biện pháp xử lý phù hợp.
Luật sư Đức giải thích bởi những cá nhân làm việc tại Sở LĐ-TB-XH vẫn có những vị trí làm việc là viên chức, nhân viên hợp đồng chứ không phải cán bộ công chức. Khi không phải CBCC thì không chịu sự điều chỉnh của luật này.
Đối với những cá nhân là cán bộ công chức thì luật Cán bộ Công chức 2008 (Luật CBCC) và nghị định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức có vi phạm sẽ là những cơ sở pháp lý để xử lý những hành vi phạm.
Cụ thể, tại khoản 1 điều 18 luật CBCC quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm gồm: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc...
Như vậy, theo luật sư Đức việc các cán bộ công chức bỏ việc đi dự tiệc trong giờ hành chính là vi phạm. Về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định tại điều 78 và điều 79 luật CBCC gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, bãi nhiệm.
Xe biển xanh được dùng để đi ăn tiệc tại nhà Giám đốc Sở trong giờ hành chính. |
Tùy theo người vi phạm là cán bộ hay công chức để có biện pháp xử lý phù hợp, cần lưu ý rằng việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cũng theo luật sư, với vai trò Giám đôc Sở, ông Lê Minh Tấn còn bị xem xét, xử lý theo điều 10 luật CBCC.
“Người sai lớn nhất trong sự việc này theo tôi là Giám đốc Sở. Ông biết 4h chiều là còn trong giờ hành chính nhưng lại mời khách giờ này. Khi khách mời đi xe biển xanh thì ông phải biết đây là xe công rồi. Cán bộ lãnh đạo ông cần phải làm gương đằng này chính ông lại vi phạm”, vị luật sư nhấn mạnh.
Không tiết kiệm sao biết lo cho dân?
Đối với hành vi sử dụng hàng loạt xe biển xanh để đi dự tiệc, luật sư Đức cho rằng, hành vi này đã vi phạm quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” nên cũng cần xem xét.
Không chỉ chia sẻ quan điểm về mặt pháp lý, dưới góc độ một công dân, ông Đức không đồng tình với việc làm của Giám đốc Sở LĐ-TB-XH.
“Giám đốc Sở LĐ-TB-XH về nguyên tắc là lo cho đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Vậy tại sao trong khi người lao động vẫn còn đang phải làm việc mà ông lại tổ chức tiệc tùng, “đánh cắp” giờ làm việc? Ông là người mới được bổ nhiệm nhưng tại sao đã có hành vi trên? Ông không biết tiết kiệm trong việc sử dụng tài sản mua từ tiền thuế của dân thì sao biết lo cho dân”, luật sư Đức đặt câu hỏi.
Không chỉ luật sư Đức, nhiều bạn đọc cũng đã gửi ý kiến, bày tỏ sự bất bình đến VietNamNet. Bạn đọc có địa chỉ email hosonha1980@gmail.com viết: “Bộ Chính trị vừa có Chỉ thị học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác đòi hỏi cán bộ công chức phải gương mẫu làm trước… Ông Tấn đã vì việc tư, không vượt qua được chính mình, không biết đặt việc công lên trên hết trong giải quyết việc tư. Điều này làm xói mòn niềm tin của dân vào Đảng, rất đáng chê trách”.
Bạn đọc có nickname chinhdang2002@yahoo.co thẳng thắn: “Những cán bộ này phải cách chức cho dân đỡ khổ”. Bạn đọc ngocthuypdp@yahoo.com thì viết: “Làm cán bộ mà liên tục để xảy ra các vụ việc vi phạm không đáng có, làm mất công mất sức của các cơ quan nhà nước phải kiểm tra, họp hành, kiểm điểm... Liệu có xứng đáng lãnh đạo nữa hay không?".
Trước đó, như VietNamNet đã thông tin, vào 16h ngày 10/6, lãnh đạo các phòng, ban và đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã đi hàng chục xe ô tô mang biển xanh tới nhà GĐ Sở Lê Minh Tấn trong giờ hành chính ăn tiệc.
Ông Lê Minh Tấn giải thích rằng, do mới về sở, nên muốn có một buổi ra mắt anh em. Nhận tiện giỗ cha nên mời anh em về cho biết nhà cửa.
M.Phượng