- Muôn vàn lý do để các bạn nhỏ uốn éo với bố mẹ nhằm “chống cự” lại việc học buổi tối. Làm sao để khuyến khích con chịu ngồi học nghiêm túc là vấn đề khá đau đầu. Ý kiến chia sẻ của chuyên gia giáo dục, các bậc phụ huynh sẽ góp phần giúp các con từng bước lớn khôn, trưởng thành.

Giục như giục đò, cậu con trai mới ngồi vào bàn học. Được 2 phút: "Bố ơi con khát nước".

Nhận được cốc nước, cậu lại uốn éo: "Bố phải lấy nhiều vào con viết mới đẹp được!".

2 phút sau: "Bố ơi mưa ồn quá con không học được!"

3 phút sau: "Bố ơi sao không rủ chị Bon, anh Tun qua nhà mình chơi?".

Tổng buổi học được 10 phút, cu cậu đã tót sang phòng khác, để lại mình bố ngồi viết những dòng này!

{keywords}
Nhiều bố mẹ khá đau đầu khi giục con vào bàn ngồi học mỗi tối. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Đoạn chia sẻ của một đồng nghiệp có con năm nay học lớp 1 đăng trên Facebook khiến rất nhiều phụ huynh đồng cảm.

Một mẹ có con học lớp 3 cũng ngậm ngùi: Nhắc mỏi mồm con mới ngồi vào học. Được 5-7 phút lại nhúc nhích: “Mẹ cho con đi vệ sinh”, lúc sau lại: “Mẹ cho con đi nước uống”… Biết kiểu bài đó, lần sau trước khi con ngồi vào học mẹ dặn rõ: “Con cần làm gì thì làm hết đi, khi ngồi vào học là tập trung, không đứng lên”.

Tuy vậy, cũng chỉ được khoảng 10 phút thì bạn ý lại: “Mẹ ơi cho con đi vệ sinh nặng. Con nói thật đấy!”. Mẹ đứng hình luôn không thể nói thêm được câu nào.

Chị Ngô Thanh, công tác tại một ngân hàng thì thường xuyên than: “Chẳng biết con mọi người thế nào chứ con nhà em lười lắm. Tối đến nhắc ngồi vào bàn học mỏi mồm, nhưng ngồi được một lúc là nhúc nhích, không tập trung. Nhiều hôm 2 mẹ con cứ như đánh nhau, chán lắm”…

Đồng cảm với những khó khăn trong việc hướng dẫn, dạy con học, cô Nguyễn Thị Quỳnh Như, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ:

Tại sao Bộ GD-ĐT lại  yêu cầu ở bậc tiểu học các cô không được giao bài về nhà. Vì các con đã học cả ngày ở trường là đủ rồi.

Với các bé lớp 1, ở trường chỉ học 15-20 phút đã phải cho đứng lên nghỉ giải lao. Bố mẹ không hiểu điều đó giao quá tải cho con. Các con lớp 1, đến tận cuối năm cũng chỉ một bài chính tả tối đa 30 chữ. Rất ngắn. Nhưng có khi bố mẹ bắt viết gấp đôi gấp 3 thì các con mỏi tay.

{keywords}
Được ra ngoài thiên nhiên vui chơi là một trong những trải nghiệm cho con trẻ (Ảnh: Bảo Anh)

Đối với các con lớp 2 trở lên, như đã nói, cô không được giao bài về nhà. Nhưng về các bố mẹ hay hỏi ở lớp hôm nay học gì, rồi giao thêm bài tương tự cho các con. Biết rồi vẫn phải làm nên các con chán, đi uống nước là thế.

Muốn các con ngồi vào bàn thì nội dung học phải hấp dẫn. Không phải những bài cứ loanh quanh ở sách mới là học. Có thể có những quyển truyện, sách khoa học khám phá, các câu hỏi vì sao để kích thích sự hiếu kỳ, sự  ham học hỏi của các con. Đó cũng là cách dạy, đâu chỉ chăm chăm bắt con làm bài tập, bài giống hệt cô.

Con nhà tôi đang học lớp 3 cũng không thích học và đọc đâu, nên bố mẹ phải nhắc. Một mặt vẫn đáp ứng yêu cầu là cho con đọc những cuốn truyện, chữ to, nhưng đổi lại cũng phải yêu cầu đọc truyện chữ. Nói con đọc rồi kể lại cho mẹ nghe. Đọc hết Dế mèn phưu lưu ký, không nhớ lắm nhưng con cũng kể lại được vắn tắt.

Thực ra, đi làm rồi mới thấy, kiến thức chiếm 50%, còn lại là những kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Muốn có kỹ năng phải có hiểu biết. Ở lớp một phần, còn ở nhà bố mẹ phải dạy dỗ, bồi dưỡng thêm bằng nhiều kênh, nhiều kiểu.

Chẳng hạn khuyến khích con làm các bài tập giải toán trên internet, hôm nay bao nhiêu điểm rồi cố gắng đua với các bạn. Hay mẹ và con cùng xem phim hoạt hình, hỏi con những câu hỏi xem con nhận thức đến đâu rồi từ đó điều chỉnh, định hướng về giáo dục.

Vậy, các bố mẹ khác có gặp phải khó khăn trong việc yêu cầu con học bài buổi tối? Mời các bố mẹ chia sẻ câu chuyện cũng như kinh nghiệm của mình để từng bước giúp con trưởng thành.

  • Bảo Anh