Rất nhiều thứ diễn ra trong xã hội liên quan tới bộ máy công quyền. Và nhiều lúc, tôi tự nhủ giá như bộ máy đó mà người đại diện là cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm hơn thì rất nhiều thứ sẽ tốt hơn, cuộc đời đỡ khổ hơn. Thậm chí trong một số ít trường hợp, mạng sống của nhiều người sẽ không mất đi.
Tôi đã xem đi xem lại đoạn video vụ tai nạn giao thông sáng 23/7 tại xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương làm 5 người chết và 2 người bị thương nặng.
Chưa biết có đúng là chiếc xe container mất phanh nên không thể giảm tốc độ và do đó đâm vào nhóm người đang chờ để sang đường hay không. Nhưng chỉ nhìn hiện trường với con mắt không chuyên cũng thấy ngay sự bất cập trong xử lý vụ việc này: Không có cảnh báo từ xa về sự cố giao thông để người tham gia giao thông lưu ý và có những hành động thích hợp. Thậm chí nếu cần thiết có thể cấm hẳn lưu thông ở đoạn đường này trong một thời gian nhất định.
Chính cái sự bất cập này lại là câu chuyện về tính chuyên nghiệp của bộ máy công quyền: Nếu có tai nạn giao thông như kiểu này thì phải làm ngay mấy việc theo thứ tự, phải lưu ý thêm mấy việc là… Cũng như nếu chữa cháy thì trình tự là như thế này, việc này thì phải làm ngay, việc kia thì có thể thư thư cũng không sao.
Đến đây lại nhớ đến câu chuyện cách đây ít ngày, cảnh sát giao thông ở Hải Phòng chặn xe máy để kiểm tra và bị tông phải đi cấp cứu. Nhìn đoạn video, thú thật tôi cũng không thể hình dung sao người cảnh sát giao thông đó lại có thể hành xử không chuyên đến như vậy.
Còn có thể kể ra vô vàn ví dụ về sự không chuyên nghiệp và sự tắc trách của bộ máy công quyền. Từ việc xử lý mất nắp cống tránh gây nguy hiểm cho người qua lại cho đến việc cắt, đốn cây khi mùa mưa bão đến. Từ việc gắn cái biển cho con phố mới được đặt tên. Rõ ràng là gắn sai nhưng biển vẫn cứ như thế tồn tại, chả ai bị làm sao. Cho đến các ngành giao thông, xây dựng, điện, nước… đào đường làm việc của mình xong, sau đó mặt đường có trở lại như cũ không là cả một câu chuyện khôi hài tại các đô thị nước ta.
Nói đến tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức là nói đến kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, là nói đến cái được đào tạo, dạy dỗ. Kỹ năng này không tự nhiên mà có và điều quan trọng là các kỹ năng này có sự thay đổi, có sự “nâng cấp” theo thời gian.
Lúc tôi vào cơ quan nhà nước cách đây hơn 40 năm, không hề có yêu cầu cán bộ khi gặp dân phải hành xử thế nào, nói năng ra sao. Mọi thứ thời đó cứ như là đương nhiên như vậy, chẳng cần học hành gì ghê gớm.
Thời nay lại khác hẳn. Công chức phải có kỹ năng giao tiếp khi gặp dân, tổ chức. Tương tự là kỹ năng của công chức, viên chức ở các ngành, lĩnh vực khác như y tế, thuế, hải quan…
Rất rõ là trong thực tế, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của bộ máy công quyền còn quá thấp, không đáp ứng yêu cầu. Sẽ là thảm họa khi bộ máy công quyền vừa không chuyên vừa không có trách nhiệm. Có trách nhiệm mà không chuyên hoặc rất chuyên nhưng lại vô trách nhiệm thì hệ quả cũng khôn lường.
Xã hội đang sao nhỉ, con người tại sao lại vậy?
Con người ta không phải là “thánh”, không thể không nhiễm bụi trần, nhưng bụi trần nhiễm đến mức này thì quả là đáng lo ngại.