- Khi Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm hôm nay (1/8), câu chuyện biên chế lại nổi lên.
Do được bổ sung nhiệm vụ mới, trong đó có kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đang sửa thông tư hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp cấp tỉnh, huyện, xã.
Dự thảo thông tư sửa đổi quy định số lượng biên chế tối thiểu của các cơ quan này để đảm bảo đủ cán bộ triển khai nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo thẩm quyền của địa phương quyết định cụ thể biên chế của các cơ quan này.
Ví dụ, sở Tư pháp cấp tỉnh có một giám đốc, không quá 3 phó (riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 4), không quá 7 phòng chuyên môn (tối thiểu là 9 với Hà Nội và TP.HCM), tối thiểu 5 người mỗi phòng.
Phòng Tư pháp cấp huyện có 1 trưởng phòng, không quá 2 phó phòng, biên chế tối thiểu 5 người; công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có tối thiểu 2 biên chế.
Bộ Tư pháp muốn điều chỉnh các cơ quan của mình vì có thêm nhiệm vụ
mới. Ảnh: Bộ Tư pháp |
Nhiều địa phương bày tỏ băn khoăn. Đại diện Sở Tư pháp Lào Cai cho biết biên chế ngành này ở địa phương đang không đủ, nay thêm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính thì lo không làm được hết việc.
Sở Tư pháp Hà Tĩnh cũng “kêu” biên chế đang là vấn đề khó nhất. Sở Tư pháp Sóc Trăng phản ánh khó thu hút cán bộ vào ngành vì biên chế ít, lương lại không cao bằng các ngành khác.
Ý kiến từ Sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã đang quá tải vì cấp này tập trung tất cả các nhiệm vụ về thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, chế độ chính sách...
Do đó khi xác định biên chế cần quan tâm đến cấp xã, tránh tình trạng kiêm nhiệm, vì cán bộ phải chuyên trách, chuyên tâm, chuyên sâu, chuyên cần mới đáp ứng được khối lượng công việc lớn.
Tuy nhiên, đại diện Đà Nẵng lưu ý bên cạnh biên chế tối thiểu, thông tư cần có biên chế tối đa, nhằm kiểm soát để tránh “cứ nói giảm thì biên chế lại tăng”. Biên chế tối thiểu là điều kiện cần để thực hiện chức năng cơ bản, biên chế tối đa là điều kiện đủ để thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao.
Trước những ý kiến trên, Thứ trưởng Nội vụ Văn Tất Thu góp ý: Xu hướng lớn trong tổ chức bộ máy là đa ngành, đa lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương đều nên theo phương pháp này để không bành trướng bộ máy, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
“Mấy năm qua biên chế cả nước tăng kinh khủng, mà bộ máy càng lớn thì đóng góp của dân càng phải tăng”, ông Văn Tất Thu nhận định.
“Bác Hồ nói cần một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân nhưng không có nghĩa chính quyền đó phải có bộ máy đồ sộ, tầng tầng lớp lớp, cán bộ đông, làm được ít việc nhưng tiêu nhiều tiền của dân”, Thứ trưởng Nội vụ nói. “Bộ máy tinh, tiêu ít tiền nhưng làm nhiều việc cho dân là tinh thần của cải cách hành chính”.
Ông Văn Tất Thu nhắc lại nghị quyết Chính phủ về việc từ nay đến hết nhiệm kỳ không tăng biên chế, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động sắp xếp trong biên chế hiện có, thêm người cho nhiệm vụ mới, kiên quyết cắt những việc không cần thiết hoặc ảnh hưởng đến cải cách hành chính.
Chung Hoàng