Một chiếc điện thoại thông minh, một chiếc laptop cũ là tất cả thiết bị để sản xuất video về Đà Lạt của YouTuber U60 - chị Ninh Hồng. “Cộng sự” của chị là ông xã và gần đây có thêm cô con gái đang tạm “trốn” Sài Gòn lên Đà Lạt tránh dịch.

Gia đình nhỏ rong ruổi qua những ngóc ngách vừa lạ vừa quen, mang chút xưa cũ, giản dị, mộc mạc mà gây thương nhớ của thành phố cao nguyên, ghi lại hình ảnh, chia sẻ tới du khách thập phương.

Những video ban đầu của chị Ninh Hồng chỉ có vài “khách hàng” thưởng thức, là các con, là bạn bè. Đến nay, sau ba tháng  thực hiện, mỗi video của chị đã thu hút hàng ngàn lượt xem. Nhiều video về địa điểm du lịch, ngắm cảnh của thành phố nhận được 10 - 15 ngàn lượt xem, cùng rất nhiều bình luận.

“Khách hàng” của chị Hồng người trung niên có, người cao tuổi có, người trẻ có, người Đà Lạt có, người Việt ở nước ngoài, du khách ngoại quốc… đều có. Khác nhau về lứa tuổi, quê hương… nhưng tựu trung, họ đều là những người yêu, say mê những điều bình yên, giản dị, mang “chất riêng” của Đà Lạt; cảm nhận được sự chân thành, dung dị mà giàu cảm xúc trong video của chị Hồng.

{keywords}

Ngôi nhà thơ mộng ven rừng là địa điểm xuất hiện nhiều trên các video của chị Ninh Hồng

30 năm ôm giấc mơ “bỏ phố về Đà Lạt”

Tháng 11/2019, vợ chồng chị Ninh Hồng (55 tuổi) cùng nhau rời Sài Gòn - nơi anh chị sinh ra, lớn lên về Đà Lạt, mua mảnh đất 800m2, cách trung tâm thành phố khoảng 20 phút đi xe máy. Quyết định tới thành phố không người thân, chẳng họ hàng, hoàn toàn xa lạ của anh chị khiến 2 con phản đối, bạn bè ngỡ ngàng.

Nhưng đây là giấc mơ suốt 30 năm của vợ chồng chị Ninh Hồng.

{keywords}

Lần đầu tiên chị Hồng được tới thăm Đà Lạt là mùa hè 1989. Thời điểm đó, du lịch theo tour còn xa lạ, mỗi chuyến đi đều rất đắt đỏ. Theo lời kể của chị, đi du lịch theo tour nhưng gia đình chị ăn ở bình dân, “khổ hơn ở nhà”.

“Thời đó, khách sạn là những nhà nghỉ công đoàn cũ kĩ, rất đơn sơ, không có mấy đồ đạc. Quán ăn uống hiếm hoi, đâu có như bây giờ. Bốn ngày ở Đà Lạt thì bốn bữa sáng, vợ chồng mình và cậu con trai 1 tuổi đểu… ăn mì tôm”, chị Hồng nhớ lại.

Thế nhưng, chuyến đi “thiếu thốn” đó lại khiến vợ chồng chị say mê với mảnh đất cao nguyên mù sương. Kí ức về lần đầu “gặp” Đà Lạt hơn 30 năm trước vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của chị.

“Khi xe đi đến đèo Prenn, cảm xúc trong mình dâng trào vì cảnh đẹp hiện ra trước mắt. Từ chân đèo nhìn lên là những hàng thông xanh mướt, cung đường đèo uốn lượn, sương mờ treo lơ lửng. Mình cảm giác như đang chầm chậm đi lên thiên đường. Sau này, dù đã đi nhiều nơi, chiêm ngưỡng không ít cảnh đẹp thì hình ảnh đó vẫn hiện hữu trong tim mình”, chị Ninh Hồng xúc động kể lại.

Bốn ngày ở Đà Lạt, anh chị dành mọi khoảnh khắc để tận hưởng khí hậu, cảnh quan nơi đây. “Khi chiếc xe lăn bánh rời đi, vợ chồng mình thấy trong lòng nôn nao, thoáng buồn. Ngoái đầu nhìn lại thành phố, mình đã nảy ra mong muốn sẽ quay lại đây trong những năm cuối đời”, chị Hồng chia sẻ.

{keywords}

Khí hậu và cảnh quan Đà Lạt khiến chị Ninh Hồng say mê

Những năm về sau, do các con còn nhỏ, chưa có điều kiện nên một vài năm, anh chị mới tới thăm Đà Lạt một lần.

“Càng về sau này, mình càng tới Đà Lạt nhiều hơn, mỗi năm một lần, thậm chí mỗi quý một lần. Rồi có khi, cuối tuần tan làm, hai vợ chồng nhớ Đà Lạt là lên xe khách đi lên nghỉ ngơi rồi đêm Chủ nhật lại trở về”, chị Hồng chia sẻ.

Sau hàng chục chuyến đi, chị thông thuộc thành phố này, biết rõ từng quán cà phê, từng cửa tiệm ăn uống,... chẳng kém người bản địa.

Về Đà Lạt xây nhà gỗ ven rừng, học cuốc đất, trồng rau

Sau thời gian dài tìm kiếm, vợ chồng chị Hồng mới tìm được mảnh đất ven rừng thông ưng ý. Khu vực này hầu hết là các gia đình “bỏ phố về quê” làm nông nghiệp sạch hoặc người bản địa lâu năm.

Khi mua được mảnh đất ưng ý, chị Hồng tự vẽ lên ngôi nhà gỗ trong mơ đã ấp ủ bấy lâu. Anh chị thuê thợ dựng ngôi nhà gỗ 50m2 nhỏ xinh, nằm giữa khu vườn. Trong khi thợ làm nhà, anh chị cũng bắt tay vào cuốc đất trồng cây ăn trái, trồng hoa, làm khu vườn trồng rau xanh. 

{keywords}

“Mình không muốn sống trong một ngôi nhà bê tông, cốt thép như thành phố càng không muốn phá hỏng cảnh quan. Ngôi nhà mình chỉ xây đủ sử dụng, nho nhỏ nhưng ấm áp, hài hòa. Xung quanh, hai vợ chồng tự cải tạo làm vườn”, chị Hồng chia sẻ.

Vốn sống ở thành phố nên khi về đây, vợ chồng U60 phải "học từ con số 0". Thời gian đầu, bao nhiêu hạt giống anh chị gieo xuống đều thối, không lên mầm hoặc có lên mầm thành cây thì già cỗi, không thể ăn được.

Những cây hoa được mua về trồng đều rụng lá, héo khô, thối toàn bộ rễ.  Nhờ người địa phương chỉ dẫn, chị mới hay, đất trong vườn nhà vốn là đất pha sét nên rất cứng, không thoát nước. Do đó, anh chị cần mua thêm đất đổ lên bề mặt.

{keywords}

Hai vợ chồng chị Hồng cặm cụi san đất, cải tạo vườn trồng rau

Anh chị trồng rau hữu cơ, bón bằng phân bò, dê hay phân trùn quế. Ngày ngày, vợ chồng cặm cụi tự bắt sâu, nếu nhiều quá thì dùng dung dịch tỏi, ớt phun diệt bớt. Trừ những ngày mưa, còn lại chị Hồng và ông xã ở ngoài vườn, làm đủ việc khác nhau.

{keywords}

Ngôi nhà nhỏ nằm giữa khu vườn ngập sắc hoa và những luống rau xanh mướt, đẹp như một homestay nghỉ dưỡng

{keywords}

Anh chị cũng tự làm những góc nhỏ xinh với bàn trà, giàn hoa để các con hay bạn bè về thăm có thể "check-in"

Không chỉ học cuốc đất, trồng rau, làm vườn, hai vợ chồng chị Hồng cũng học cách chế biến nông sản từ vườn. Anh thì ngâm rượu gừng, rượu nho, làm siro dâu tằm; chị Hồng học cách sấy trà từ hoa hồng, cỏ ngọt, khổ qua, đậu biếc.

{keywords}

Chị Ninh Hồng chia sẻ về làm trà hoa hồng

Khi vợ chồng U60 thành hướng dẫn viên du lịch online

Khi mới về Đà Lạt sinh sống, để các con bớt lo lắng cho cha mẹ, vợ chồng chị Hồng thường dùng điện thoại, tự quay video ghi lại những hoạt động trong ngày để gửi con.

Sau này khi lượng video nhiều quá, chiếc laptop cũ không lưu trữ nổi, chị Hồng mày mò học cách sử dụng phần mềm để dựng thành các video có nội dung chia sẻ về cuộc sống, đăng tải lên Youtube.

Ban đầu, kênh Youtube của chị là những hình ảnh xung quanh cuộc sống làm vườn tại Đà Lạt. Chị Hồng “mời” du khách ngắm khu vườn gia đình trong bình minh sương sớm lửng lờ chân đồi, cùng anh chị cuốc đất, trồng rau, thu hoạch, chế biến thành mứt, bánh ngọt… Những hình ảnh về cuộc sống mộng mơ khiến nhiều người yêu thích.

{keywords}

Chị Ninh Hồng tự ghi hình video bằng chiếc điện thoại

{keywords}

Sau đó dựng, biên tập video bằng chiếc laptop đã cũ...


Sau này, trong những chuyến dạo phố, ngắm Đà Lạt, chị Hồng cũng cẩn thận ghi lại hình ảnh, tìm kiếm và chắt lọc thông tin để dựng thành video, giới thiệu cho mọi người.

Xuất hiện trong video của chị là những góc Đà Lạt có phần xưa cũ, không quá đông đúc, nhưng bình dị, mang nét riêng của thành phố như Cà phê Tùng, hầm Hỏa Xa, dốc Nhà Làng…

{keywords}


“Đà Lạt giờ khác xưa nhiều lắm. Có những lúc mình “giận” sự đổi thay của thành phố mà cứ ở miết trong vườn nhà, không ra ngoài. Những cánh rừng thông ít dần đi làm khí hậu nóng lên, buổi trưa thấy ngột ngạt, nóng bức. Kiến trúc thì pha trộn đủ kiểu, lẫn lộn, mất đi cái riêng của thành phố, chạy theo thị hiếu, bắt chước nơi này nơi khác”, chị Hồng tâm sự.

Gần đây, khi con gái lên Đà Lạt “trốn dịch”, vợ chồng chị mới quyết định đưa con ra phố nhiều hơn, cùng con rong ruổi ngắm thành phố.

“Một buổi trưa lang thang, mình tình cờ đi qua cà phê Tùng. Mình từng yêu nơi này lắm, lần nào lên Đà Lạt cũng ghé qua. Nhưng rồi một vài năm gần đây, Tùng xô bồ, đông đúc nhưng không hẳn là khách tới thưởng cà phê, hay tìm kiếm không gian nơi Trịnh Công Sơn - Khánh Ly gặp gỡ lần đầu mà...nhiều bạn trẻ đến chỉ để để đồ đạc”, chị Hồng chia sẻ.

{keywords}

Có thời điểm, đối diện cà phê Tùng xuất hiện bức tường vàng Cối Xay Gió - địa chỉ check-in nổi tiếng của giới trẻ. Du khách trẻ tìm tới đây, “xếp hàng” chụp ảnh.

Họ xem Tùng như một quán cà phê bình thường như bao nơi, vào gọi đồ uống, để đồ đạc, ngồi chờ chụp ảnh. Không thích sự xô bồ đó nên chị Hồng ít lui tới đây hơn.

“Mãi đến hôm đó, mình mới vô tình thấy Tùng vắng vẻ, yên tĩnh trở lại. Mình ghi lại khoảnh khắc này để chia sẻ lên kênh Youtube, hy vọng có thể giúp những người yêu nơi đây có thể nhìn ngắm, nhớ lại kỉ niệm xưa”, chị Hồng chia sẻ.

{keywords}

Những video giản dị, mộc mạc, không kĩ xảo, hiệu ứng điêu luyện nhưng giàu cảm xúc, chân thành của chị Hồng níu chân người xem. Nhiều vị khách đã rời Đà Lạt nhiều năm không khỏi xúc động, gửi lời cảm ơn tới chị.

“Mình yêu và nhớ Đà Lạt xưa. Mình tin nhiều người cũng vậy nên mình muốn giữ lại những hình ảnh vào thời điểm giao thoa cũ - mới này”, chị Hồng tâm sự.

“Mình không giỏi công nghệ như các bạn trẻ, chẳng biết dùng flycam, chẳng có chân máy, thậm chí ứng dụng dựng video cũng rất phổ thông. Nhưng mình cố gắng chăm chút cho nội dung, đặt vào mỗi video tình yêu, cảm xúc của chính mình”, chị nói thêm.

{keywords}

Bằng cách đó, mỗi ngày, chị Hồng vẫn làm “hướng dẫn viên online” cho hàng trăm du khách, giới thiệu tới họ những điều nhỏ bé, giản đơn nhưng tuyệt vời của Đà Lạt.

Linh Trang (Ảnh: NVCC; Video: Youtube Lỡ yêu Đà Lạt)