Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Bệnh ung thư cổ tử cung gây ra bởi sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào ở cổ tử cung. Các tế bào phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u tại cổ tử cung.

Ths.BS Tạ Việt Cường, Phó Giám Đốc Trung tâm khám và điều trị -Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, chia sẻ, bệnh nếu phát hiện sớm có thể tiên lượng rất tốt. Tuy nhiên phần lớn những người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh do  đó bệnh thường không có những dấu hiệu nổi bật. Bên cạnh đó, người dân không có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ vì vậy khi phát hiện bệnh đều đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho điều trị. 

Ung thư cổ tử cung gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Khối u có thể xâm lấn các cơ quan lân cận hoặc tế bào ung thư di căn đến phổi, gan, xương… khiến việc điều trị trở nên phức tạp và làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh. Ở giai đoạn tế bào ung thư đã phát triển mạnh và lan rộng, bệnh nhân phải xạ trị hoặc buộc phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng, gây mất khả năng sinh con.

Ths.BS Tạ Việt Cường

Quá trình thăm khám, Ths.BS Cường gặp không ít bệnh nhân do ngại thăm khám, dẫn đến phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Điển hình gần đây, Ths.BS Tạ Việt Cường thăm khám cho trường hợp bệnh nhân khoảng 35 tuổi, đến viện do bị rong kinh. Đây là tình trạng lần đâu tiên bệnh nhân mắc và từ trước đến nay vẫn chủ quan là sức khỏe mình tốt, nên không định kỳ đi khám phụ khoa và sàng lọc ung thử cổ tử cung trong nhiều năm.

Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, người bệnh được chuẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Hiện tượng rong kinh là do khối u bị xuất huyết gây chảy máu. Nhận kết quả, người phụ nữ vô cùng bàng hoàng. “Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Nhiều người không đi khám phụ khoa định kì hàng năm dẫn đến tình trạng có khối u to mới biết”, Ths.BS Cường cho biết. 

Cũng theo Ths.BS Cường, ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm mà phát hiện kịp thời  sẽ rất dễ điều trị, tiên lượng tốt. Về quá trình sàng lọc ung thư cổ tử cung, đầu tiên, người bệnh sẽ được đặt mỏ vịt, khám kiểm tra âm đạo, cổ tử cung, sau đó lấy tế bào ở cổ tử cung để kiểm tra xem có tế bào ác tính hay không và xét nghiệm kiểm tra virus HPV. Nếu tế bào bình thường 1 năm, người bệnh thực hiện xét nghiệm lại 1 lần. Với virus HPV, 3 năm chúng ta mới phải xét nghiệm lại một lần để sàng lọc. 

“Người bệnh có bất thường sẽ được phân độ theo giải phẫu bệnh tùy mức độ mà có phương án xử trí kịp thời như soi cổ tử cung và sinh thiết, hoặc chỉ theo dõi chặt chẽ hoặc định kỳ thăm khám, xử lý ngay hoặc có các tầm soát khác để phát hiện bệnh. Khi phát hiện sớm điều trị sẽ dễ hơn và ít gây hậu quả nặng nề hơn”, bác sĩ thông tin.

Về trường hợp nữ bệnh nhân 35 tuổi được chẩn đoán ung thư, Ths.BS cường thông tin thêm, hiện tại bệnh nhân đã phải cắt tử cung và đang phải truyền hoá chất. “Sức khoẻ ảnh hưởng rất nhiều và chưa thể rõ hiệu quả của điều trị”, bác sĩ cho biết.

Cũng theo Ths.BS Cường, để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư, phụ nữ nên tiêm vắc xin HPV. Vắc xin được đánh giá là an toàn và có thể chống lại các tác nhân gây ra ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục. Độ tuổi an toàn để tiêm vắc xin đạt hiệu quả cao nhất là từ 9 đến 26 tuổi. Nhiều người thắc mắc đã quan hệ tình dục, có thể tiêm vắc xin này nữa không. 

Về vấn đề này, Ths.BS Cường chia sẻ, khi đã quan hệ tình dục nếu người phụ nữ xét nghiệm HPV âm tính vẫn có thể tiêm. Vắc xin HPV không bảo vệ chống lại tất cả các loại HPV có thể gây ung thư, do đó, phụ nữ đã được tiêm vắc xin HPV vẫn cần tuân theo các khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung giống như phụ nữ chưa được tiêm chủng.

Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại ung thư cổ tử cung có khả năng chữa trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Trong đó, sàng lọc ung thư cổ tử cung chính là “chìa khóa” để phát hiện và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả. Bs Cường chia sẻ, việc khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện rất nhanh chóng.

Đối với trường hợp không có vấn đề gì bất thường, bác sĩ chủ yếu kiểm tra xem cổ tử cung có bất thường gì không và có bị lộ tuyến hay không. “Thời gian nhanh và hiện tại có nhiều địa chỉ có thể khám. Vì vậy chị em cần chủ động trong việc thăm khám, tầm soát nhằm không bỏ lỡ thời điểm vàng trong điều trị bệnh do khối u phát triển rất nhanh”.

Ngọc Trang - Minh Ánh

Khám sức khỏe định kỳ, bất ngờ phát hiện ung thưQuá trình khám sức khỏe định kỳ, người đàn ông 50 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư thận và được chỉ định phẫu thuật.
Cặp vợ chồng kết hôn 7 năm không quan hệ thành công, bác sĩ chỉ nguyên nhân ‘khó nói’Co thắt âm đạo là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống tình dục của người phụ nữ. Khi cảm nhận khó khăn trong quan hệ, bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên khoa để được điều trị sớm.
Thói quen xấu khiến người Việt phát hiện ung thư gan ở giai đoạn muộnChủ quan cơ thể khỏe mạnh, nhiều người không khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý về gan. Không ít trường hợp phát hiện khi bệnh đã giai đoạn muộn gây khó khăn cho điều trị.