- Là một trong 20 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 do Trung ương Đoàn đề cử, Nguyễn Đăng Quang (sinh năm 1998) đã nhận được nhiều câu hỏi từ độc giả tại buổi giao lưu sáng 13/3. Chững chạc hơn so tuổi, Quang đã có buổi trò chuyện thú vị với độc giả VietNamNet.
|
Nguyễn Đăng Quang |
Đã có lúc nản chí
Độc giả Thanh Thanh Hoa (nữ, 21 tuổi): Chào Quang, để có được thành công như báo
chí đưa tin em có thể cho biết em học âm nhạc từ khi nào? Thời gian học hàng ngày em
có thể bật mí được không?
Nguyễn Đăng Quang: Chào chị Hoa! Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm
nhạc nên âm nhạc đến với em rất tự nhiên. Được tiếp xúc với âm nhạc từ khi còn rất
nhỏ, em có điều kiện rất thuận lợi, được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc
khác nhau. Em cảm thấy thực sự may mắn.
Khi 8 tuổi, em bắt đầu học piano chuyên nghiệp ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam dưới sự dẫn dắt của GS -TS NGND Trần Thu Hà.
Lịch học văn hóa của em rất bận nên có thời gian rảnh nào em cũng dành để tập luyện và nghe nhạc tham khảo nhiều dòng nhạc mới. Ngày thường, em sẽ tập đàn 3 - 4 giờ; cuối tuần sẽ tăng lên 6 - 7 giờ.
Ngoài ra, em cũng dành thời gian để đọc sách, xem phim đi chơi giao lưu với các bạn. Một ngày bình thường của em: Sáng em học các môn kiến thức âm nhạc, chiều học văn hóa, buổi tối dành thời gian làm bài tập và tập đàn.
Nguyễn Thị Trúc (Nữ - 30 tuổi): Quang ơi, chị rất ngưỡng mộ những người có năng khiếu nghệ thuật, nhất là những người nhỏ tuổi như em. Chị muốn hỏi em học đàn từ năm mấy tuổi? Khi bắt đầu làm quen với piano em có thích thú không?
Nguyễn Đăng Quang: Rất cảm ơn câu hỏi thú vị của chị. Em bắt đầu học đàn từ khi 8 tuổi. Khi bắt đầu học đàn, em còn rất nhỏ, vẫn mải chơi nên yêu thích thì có nhưng việc rèn luyện tập đàn thì em rất lười. Nhưng khi càng lớn lên thì tình yêu và đam mê với âm nhạc cũng lớn theo.
Vì thế, em cảm thấy thực sự yêu thích và từ đó em tập luyện chăm chỉ bền bỉ, nghị lực phấn đấu để cố gắng đạt được những thành tích không phụ công ơn gia đình, thầy cô và những người luôn yêu mến ủng hộ em.
Chào Quang, cô cũng có con trai đang học piano nhưng em tỏ ra không hứng thú.
Theo cháu, cô có nên tiếp tục yêu cầu em học piano không?
Cháu chào cô! Ngày xưa, cháu cũng đã từng có những phút nản chí. Nhưng khi lớn lên, cháu
đã tìm cho mình được niềm đam mê từ chính âm nhạc. Có thể em cũng còn nhỏ và cũng như
cháu trước kia vẫn còn mải chơi, nhưng cô cũng đừng gây áp lực lớn cho em mà hãy để âm
nhạc đến với em một cách thật tự nhiên. Cô có thể cho em nghe nhiều các thể loại âm
nhạc khác nhau để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc, giúp em thông minh và sáng tạo hơn trong
cuộc sống.
Ngân Hà (nữ, 32 tuổi): Một ngày bình thường của Quang diễn ra như thế nào? Trong số bạn bè đang học với
em, các bạn không phải "con nhà nòi" có nhiều không? Em có nghĩ rằng theo đuổi bộ môn
nghệ thuật này thì không có truyền thống gia đình là một bất lợi lớn?
Nguyễn Đăng Quang: Rất cảm ơn câu hỏi của chị Ngân Hà. Ngày bình thường của
em: Buổi sáng sau khi tập thể dục, em phải đi học từ rất sớm; sau đó có ít giờ trưa em tranh
thủ tập đàn. Chiều em tiếp tục đi học. Buổi tối em có thể dành thời gian cho việc đọc
sách, xem phim, tập đàn.
Trên thế giới có rất nhiều nghệ sĩ không sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc nhưng vẫn rất nổi tiếng và thành công.
Các bạn em không phải ai cũng là "con nhà nòi" nhưng thậm chí các bạn còn tài giỏi hơn em rất nhiều nên em nghĩ rằng sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc cũng là một thuận lợi nhưng không phải là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp âm nhạc :)
|
Nguyễn Đăng Quang trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bố Quốc Trung, mẹ Thanh Lam đều khó tính
Có khi nào em nghĩ là sẽ từ bỏ chơi piano chưa? Nếu có thì đó là khi nào, em có thể kể lại được không?
Nguyễn Đăng Quang: Nói thật hồi bé không ít lần em không muốn học đàn nữa vì nghề này rất khắc nghiệt, đòi hỏi sự kiên trì và nghị lực phấn đấu không ngừng. Những lúc thầy cô giao cho bài quá khó, em cũng nản chí. Những lúc ấy, gia đình luôn bên cạnh thôi thúc nhắc nhở em phải cố gắng.
Nhưng mỗi lần được bước lên sân khấu biểu diễn em lại cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Những mệt mỏi, khó khăn, những ý nghĩ nản chí trước đó đều tan biến. Được cống hiến - đó chính là động lực để em luôn luôn phấn đấu vượt qua những chông gai thử thách để không phụ công ơn gia đình, thầy cô đã luôn luôn giúp đỡ và ủng hộ em.
Thúy Hà (34 tuổi, Bình Dương): Mẹ Thanh Lam và bố Quốc Trung ai khó tính hơn hả Quang?Nguyễn Đăng Quang: Một câu hỏi rất vui :D. Cả bố mẹ em đều là những nghệ sĩ nổi tiếng nên luôn luôn đòi hỏi âm nhạc phải có sự chuẩn mực và sáng tạo không ngừng. Để so sánh thì rất là khó vì cả bố và mẹ em đều thấy khó tính ngang nhau.
50% nỗ lực bản thân
Vũ Phan (46 tuổi, Hải Dương): Quang đi thi quốc tế nhiều. Cháu thấy các bạn trẻ quốc tế có khác gì chúng ta?
Nguyễn Đăng Quang: May mắn được đi thi quốc tế, được trực tiếp cọ xát và tiếp
xúc với các bạn trẻ quốc tế cháu cảm thấy rất khâm phục. Các bạn ấy được sống trong
môi trường văn hóa rất phát triển có nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là bước đệm rất
tốt để các bạn phát triển tài năng của mình.
Môi trường cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tài năng âm nhạc. Nhưng Việt Nam cũng đã có những thành công nhất định trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các bạn trẻ được học tập. Cháu nghĩ dù còn nhiều khó khăn nhưng chính những khó khăn ấy sẽ là động lực để cháu cũng như các bạn trẻ phấn đấu để có thể tự tin sánh nganh với bạn bè quốc tế :)
Hòa Quỳnh (29 tuổi, Hoàng Long, Ninh Bình): Chào Quang. Là con trong gia đình toàn nghệ sĩ nổi tiếng. Lại được đề cử trong giải thưởng này. Nhiều thành công đến sớm. Quang thấy điều này có làm gia tăng giá trị cho mình không?
Nguyễn Đăng Quang: Cảm ơn chị Quỳnh vì câu hỏi rất hay. Đối với em, em chưa dám nhận đó là những thành công mà chỉ là những thành tích của bản thân. Chặng đường còn rất dài, thành công vẫn còn rất xa nên em còn phải cố gắng nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện bản thân nhiều hơn nữa.
Chỉ khi mình có một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả đấy mới thực sự là thành công.
Tấn Phước (27 tuổi, Nghệ An): Anh được biết mẹ Quang là ca sĩ Thanh Lam, bố em là nhạc sĩ Quốc Trung. Vậy sự định hướng của cha mẹ em giúp em thành công bao nhiêu %? Hàng ngày em được bố mẹ luyện thế nào?
Nguyễn Đăng Quang: Đối với âm nhạc sự định hướng và dẫn dắt ban đầu rất quan trọng. Chỉ khi mình đi đúng hướng đúng sở trường của mình thì mới đạt được thành công. Vậy nên bố mẹ và gia đình đã định hướng cho em con đường âm nhạc từ khi còn rất nhỏ. Hơn thế, quan trọng là mình có niềm đam mê và yêu thích thực sự.
Bản thân em nghĩ thì định hướng của gia đình quyết định 50% còn lại là sự nỗ lực, phấn đấu, rèn luyền bền bỉ và tình yêu thực sự đối với âm nhạc cùng với sự dẫn dắt rất quan trọng của các thầy cô giáo.
Thường thì bố mẹ rất bận nhưng khi có thời gian rỗi thì luôn luôn nhắc em học tập chăm chỉ. Bố mẹ luôn truyền cho em niềm đam mê sự sáng tạo trong âm nhạc thôi thúc em phải phấn đấu trau dồi bản thân mình hàng ngày.
Ông bà cũng là những người thầy dẫn dắt em những bước đầu tiên trên con đường âm nhạc. Gia đình luôn là tấm gương để em phấn đấu học tập và rèn luyện. Sau này có thành công trên con đường mình đã chọn thì công ơn của ông bà và bố mẹ là điều em sẽ nhớ mãi.
- Thực hiện: Ban Giáo dục
- Ảnh: Lê Anh Dũng